Tháng giêng, ruốc ở biển Đà Nẵng nhiều vô kể. Sáng sớm, ghe cập bờ đưa theo những rổ ruốc đỏ au. Ông Huỳnh Văn Mười (SN 1966, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đứng chờ sẵn rồi lấy con ruốc, đưa lên miệng cắn thử. Ruốc ngọt chứng tỏ có thịt, làm mắm mới ngon và ngọt.
Ông mua một ít về rồi làm ruốc muối xổi. Đây là món ông từng học từ cha mình là ông Huỳnh Văn Mua - một lão ngư có tiếng ở làng biển Mân Thái.
Ruốc mua về không cần rửa bởi như vậy sẽ hỏng vị. Nguyên liệu chuẩn bị sẵn gồm muối hột, củ gừng, củ riềng, tỏi, ớt tươi và một ít cơm nguội. Các loại gia vị, kể cả muối hột, cũng giã nhỏ nhằm mau thấm vào ruốc. Xong rồi thì trộn tất cả lại đến khi nào thấy ruốc và các nguyên liệu hòa quyện thì mang đổ vào hũ sành hoặc hũ thủy tinh để mắm được đậm vị. Khoảng 5 ngày sau, mở hũ ruốc ra thì nghe dậy mùi thơm lừng. Nếm thử, con ruốc có vị vừa mặn vừa ngọt vừa cay.
Ông Mười bảo dân làng biển ai cũng biết làm món này, ngon hay không là tùy vào độ khéo trong cách chọn ruốc, tỉ mẩn trong cách giã nguyên liệu để làm sao đừng quá nát cũng đừng quá to.
Ruốc muối xổi muốn ăn sang cũng được mà ăn kiểu "nhà nghèo" cũng hay. Sang là kiếm một miếng ba chỉ, luộc lên rồi chấm cùng. Kiểu "nhà nghèo" thì chỉ ăn ruốc với cơm nóng hay thêm miếng rau lang luộc. Kiểu nào cũng đứt vài ba bát cơm.
Hiện giờ, làng biển đã đổi thay nhiều so với thời ông Mười còn nhỏ. Nhà cao tầng mọc lên san sát. Riêng nhà ông vẫn giữ khoảnh sân nhỏ ở sau nhà để làm mắm và giữ nghề làm mắm. Các loại mắm từ mắm nhỉ cá cơm, mắm cáy, mắm ruốc… ông đều thạo.
Ruốc muối xổi là loại mắm ông cho rằng dễ làm, không cầu kỳ và không mất nhiều công sức. Ông cũng từng trình diễn làm ruốc muối xổi cho du khách xem ở Bảo tàng Đà Nẵng hay làm tại nhà để các học sinh đến trải nghiệm.
"Món ăn không chỉ để ăn mà nó là vốn sống, là văn hóa đặc trưng cho mỗi vùng miền, cần được giữ gìn" - ông Mười nói.
Bình luận (0)