Ngày 6-6, tôi đi cùng đoàn du khách trải nghiệm những hoạt động thú vị ở mô hình du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP HCM. Đây là mô hình du lịch cộng đồng đang tạo sức hút, khi du khách di chuyển bằng canô ngắm cảnh trên sông, đạp xe đạp khám phá ấp đảo, thưởng thức những món ăn đặc trưng, tìm hiểu về nghề làm muối của người dân trên đảo… Gần 2 năm nay, du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng phát triển, không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh, con người nơi đây mà quan trọng không kém là cải thiện cuộc sống của người dân trên đảo.
Hay ở Trà Vinh, thời gian qua, mô hình du lịch nông nghiệp ấp Cồn Ông (thị xã Duyên Hải) đã giúp người dân dựa vào trải nghiệm sản xuất nông nghiệp để hình thành những câu chuyện về sản phẩm. Du khách đến đây đắm chìm trong không gian sinh thái nông nghiệp, cảm nhận sâu sắc nhất về nông nghiệp, có bữa ăn ngon, thấu cảm với người nông dân.
Cũng ở Trà Vinh, ngoài mô hình du lịch sinh thái ở Cồn Ông còn có mô hình ở Cồn Chim và Cồn Hô khá thành công. Rất nhiều du khách tới đây được trải nghiệm hoạt động nông nghiệp rồi thưởng thức sản vật địa phương từ gạo sạch, cá đồng. Người dân bản địa lại có điều kiện cải thiện thu nhập khi hình thành chuỗi cung ứng từ sản xuất nông nghiệp, đón du khách và bán sản phẩm.
Nông nghiệp và du lịch của Việt Nam đều rất tiềm năng nên khi kết hợp lại và được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp sẽ tạo cơ hội phát triển rất lớn. Việt Nam vốn là nền kinh tế đi lên từ nông nghiệp, vì thế nhiều khu vực trên cả nước có những hệ sinh thái rất đặc sắc.
Du lịch nông nghiệp cũng có thể triển khai cả truyền thống và ứng dụng công nghệ cao; vừa ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp để tạo sự mới mẻ, hiện đại và hấp dẫn cho du khách. Đơn cử, du khách quét mã QR sẽ thấy cái cây đó có hàm lượng carbon thải ra bao nhiêu, hàm lượng ôxy tạo ra thế nào, tín chỉ carbon thu về bao nhiêu…
Từ đó, giúp người dân hiểu được giá trị về mặt kinh tế khi bán được tín chỉ carbon, hiểu hơn về bảo vệ môi trường. Đây cũng là hoạt động cần thiết trong chiến lược, lộ trình phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái khi Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nếu làm được và tạo ra những sản phẩm du lịch nông nghiệp sinh thái xanh, du lịch cộng đồng xanh… sẽ thu hút khách quốc tế, tạo thêm sản phẩm đặc trưng cho du lịch.
Để du lịch gắn với nông nghiệp xanh hấp dẫn hơn, đòi hỏi từng địa phương phải tạo màu sắc khác nhau; tránh sự bắt chước để sản phẩm na ná nhau. Mỗi địa phương cần dựa vào lợi thế rất riêng, dù nhỏ của mình để có màu sắc đặc trưng bởi từng nơi đều có sự khác biệt về ẩm thực, lối sống, yếu tố tự nhiên và lịch sử. Phải có khác biệt mới thành công, nếu chỉ đem một mô hình đi triển khai nhiều nơi, khách sẽ nhanh chán.
Thái Phương ghi
Bình luận (0)