Ở xóm trọ trên đường Trần Thanh Mại, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP HCM, chị Võ Thị Hoa (43 tuổi, quê An Giang) gấp rút gia công lô áo sơ mi để giao khách.
Chị Hoa trước đây có 16 năm làm công nhân của một doanh nghiệp giày da lớn tại quận Bình Tân. Trong đợt công ty cắt giảm lao động lần 1, lần 2, chị Hoa mừng thầm vì "lọt ra khỏi danh sách". Nhưng trong đợt thứ 3, chị có tên.
Rớm nước mắt, chị Hoa kể lúc đó chị thật sự mất phương hướng vì không biết sẽ làm gì tiếp theo. Nữ công nhân cho hay, còn 2 con đang tuổi ăn học, mất việc không biết lấy gì nuôi con. "Tuổi ngày càng lớn nên rất khó xin việc nơi khác, vốn liếng không có, về quê cũng không biết làm gì… Tôi nhận quần áo về may gia công, mỗi ngày cũng được khoảng 200.000 đồng. Qua Tết, tôi sẽ đi tìm việc mới để có thu nhập ổn định" - chị Hoa bày tỏ.
Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM cho biết trong năm 2023, số lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tăng 10% so cùng kỳ. Họ bị mất việc do các doanh nghiệp cắt giảm lao động hoặc một số khác muốn chuyển đổi công việc.
Trong hơn 166.000 người thất nghiệp, lao động dưới 24 tuổi chiếm 8%, 62% thuộc nhóm 25-40 tuổi, tỉ lệ này ở lao động ngoài 40 tuổi là 29%. Tuy nhiên, khi so sánh qua các năm, tỉ lệ lao động trên 40 tuổi mất việc trong tổng số người đăng ký trợ cấp thất nghiệp đang tăng, năm 2023 gấp 1,6 lần thời điểm 2021.
Cụ thể, năm 2021, có hơn 29.000 lao động ngoài 40 tuổi mất việc, chiếm trên 26% tổng số người muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Tỉ lệ này năm 2022 là trên 27%, tương đương hơn 40.600 người.
Ngoài ra, thời gian qua, tại nhiều doanh nghiệp ghi nhận tình trạng lao động làm lâu năm, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm cũng chủ động nghỉ để chờ nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Trong hơn 166.000 người muốn nhận trợ cấp thất nghiệp, lao động không có trình độ, bằng cấp chứng chỉ chiếm đến 51%, mức hưởng trợ cấp bình quân hơn 5,5 triệu đồng mỗi tháng.
Theo Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP HCM, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất như dệt may, da giày bắt đầu có đơn hàng hoặc mở rộng xưởng có nhu cầu tuyển mới công nhân nới độ tuổi đến 45. Đây là tín hiệu tích cực của thị trường và cơ hội cho người thất nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người chỉ muốn nhận trợ cấp, từ chối công việc khi được giới thiệu, điều này dẫn đến tình trạng lao động mất việc nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn khó tuyển được người.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội, lao động lớn tuổi mất việc đối mặt nhiều rủi ro hơn. Ngay cả khi được hỗ trợ một khoản tiền như ở Công ty TNHH PouYuen, không phải ai cũng có khả năng kinh doanh nên tìm cách quay lại công xưởng. Nhưng do tuổi tác họ phải chấp nhận những công việc thời vụ, lương thấp, xưởng sản xuất nhỏ với điều kiện sản xuất tệ hơn, phúc lợi ít.
Ông Lộc đề xuất Nhà nước cần có chính sách đào tạo lại cho lao động lớn tuổi. Trước khi đào tạo, nên khảo sát nhu cầu thực tế của thị trường lao động để tránh lãng phí.
Không chỉ đào tạo, các nhà hoạch định chính sách cần cơ cấu lại về công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ... sao cho tương thích với lao động lớn tuổi. Đặc biệt, mỗi ngành phải tạo ra chuỗi giá trị với các phân đoạn khác nhau, hướng tới việc phát triển các doanh nghiệp có thể tạo ra sản phẩm đầu cuối tham gia thị trường. Khi đó, chúng ta có một chuỗi giá trị sản xuất, thương mại trọn vẹn và chắc chắn sẽ có nhiều vị trí việc làm từ thấp đến cao.
Bình luận (0)