xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Màu cổ tích của Tết

Nguyễn Trương Quý

Nhiều người than thở: "Tết với nhất, nhiêu khê, mệt mỏi quá!". Có người lại kêu: "Tết bây giờ nhạt, không như xưa!".

 Ít nhất vài bận người ta lại bàn việc bỏ Tết âm lịch, nhập với Tết dương lịch. Không loại trừ điều đó xảy ra ở tương lai nhưng vẫn còn những lý do để Tết vẫn không thể biến mất, dù làm ta mệt hay cảm thấy nhạt.

Càng ngày tôi càng nghĩ cái Tết còn ở lại với ta là vì nó đem lại một cảm giác phi thực, tựa như một trang cổ tích mà bạn nhập vai. Nhưng ta sẽ nhập vai nào - một nhân vật chủ động định đoạt niềm hạnh phúc hay ngồi đợi phép mầu từ ông Bụt để có niềm vui?

1. Sự biến đổi của lối sống trong khoảng một giáp trở lại đây có lẽ nhanh hơn bất cứ khoảng thời gian tương đương nào trước đó, ít nhất trong trí nhớ của tôi từ lúc sinh ra. Sự thay đổi này bắt nguồn từ không gian sống.

775A5179.jpg

Ảnh: VŨ MINH QUÂN

Ở Hà Nội, nhìn vào những tấm ảnh chụp thành phố năm 2024 và so sánh với ảnh năm 2015 sẽ thấy khác nhiều: số các chung cư cao tầng nhiều hơn hẳn, các con đường trên cao và lượng xe cơ giới tăng lên không ngừng. Những ngôi nhà theo mô hình truyền thống ngày càng chiếm tỉ lệ ít hơn so với các căn hộ. 

Tiếp đó, tỉ suất sinh của người Việt đang trên đà giảm dưới mức sinh thay thế (chỉ còn 1,95 con/phụ nữ, số liệu năm 2023), trong đó ở thành thị, số liệu còn thấp hơn: tỉ suất sinh chỉ khoảng 1,7. Điều đó cũng dẫn đến tỉ lệ gia đình 2-4 người chiếm khoảng 2/3 trên cả nước. Những cái Tết theo nghĩa sum vầy "tam, tứ đại đồng đường" đã chỉ còn hiện diện như những ví dụ rất hãn hữu, như thể chỉ có trong những câu chuyện cổ. Nói như ngôn ngữ thế hệ trẻ, cái Tết đã tăng thêm cấp độ cổ tích là vậy.

Nhưng cũng chính vì thế, cái Tết có một sức hút bí ẩn. Đó là bí ẩn của mối quan hệ cộng đồng, của dòng tộc và gia đình truyền thống. Điều này đã được nhà xã hội học lịch sử Anthony D. Smith chỉ ra rằng mỗi cộng đồng có một thứ gọi là "phức hợp biểu tượng thần bí" làm nên một phần bản sắc và gắn kết thành viên với nhau.

Hà Nội, nơi tập trung đậm đặc các di tích văn hóa và nhiều lễ hội nhất nước, ở cả phía nhà nước lẫn cộng đồng, có những phương cách để duy trì một không khí Tết truyền thống nhất có thể, bởi lẽ, những nhà thực hành văn hóa chính thống hiểu đấy là cách củng cố những mối liên kết của trật tự xã hội. Nhưng những điều này nếu chỉ có vậy thì cũng khó mà bền. Chúng cần có sự hưởng ứng từ mỗi ngôi nhà. Vậy một cái Tết gia đình điển hình ở thành phố hiện nay liệu có khiến người ta quá nhọc để tạo nên dư vị cổ tích như mong đợi?

2. Về tinh thần, cái Tết vốn thoát thai từ một tục lệ tín ngưỡng liên quan đến tiết khí trong nông nghiệp, bởi vậy, cũng như nhiều ngày lễ truyền thống trên thế giới, chúng gắn bó với những thủ tục, nghi thức và vật chất phục vụ cho những nghi thức ấy. Tết ở thành thị như Hà Nội có lẽ là một cầu nối văn hóa trực tiếp nhất với cái gốc nông nghiệp, tuy mỏng manh và phai nhạt đi nhiều tục lệ nhưng ở đó vẫn là những mối ràng buộc với truyền thống. 

Hầu như gia đình nào ở phố cũng còn cái gốc ở quê hương từ nơi khác đến, nên cái Tết tựa như một sự nhắc nhở và trao truyền di sản cho các thế hệ kế tiếp. Vẻ huyền bí của những câu chuyện xưa cũ ngày Tết hòa hợp với màn sương khói của những mặt hồ, những ngôi tháp hay mái chùa cổ, nơi kể những sự tích nghìn năm trước đã từng bắt nguồn từ một câu chuyện nào đó có thực.

Sắm những lễ vật và làm những món cần thiết dâng cúng lên tổ tiên là một mối bận tâm để khiến các gia đình cảm thấy mình gắn bó với cội rễ, cũng là một phần trong việc gắn kết các thành viên. Bằng công việc chuẩn bị cho cái Tết, sự chia sẻ trách nhiệm về mục tiêu chung kéo gần các thế hệ trong nhà lại với nhau.

Nhưng muốn làm được việc đó, không thể thiếu những cái chợ. Điều này không ngoa, vì những cái chợ là nguồn cung ứng sản vật cho mâm cỗ Tết, là phần nối dài của cái bếp ra ngoài phố. Hà Nội dù sao vẫn còn những cái chợ dân sinh sót lại sau 2 thập niên nhiều chợ đã biến thành trung tâm thương mại mà không thành công. 

Dĩ nhiên là hệ thống siêu thị mới đã thay thế nhiều chợ, nhưng tính chất đại trà đáp ứng nền sản xuất và tiêu thụ hàng loạt của siêu thị có xu hướng lọc bớt những thứ gia truyền, các thứ hóc hiểm làm nên những món khiến cho mâm cỗ mỗi nhà một cá tính. Đó là chưa nói đến giá cả. 

Chẳng khó gì để kiểm chứng chuyện giá trong siêu thị luôn đắt gấp rưỡi đến hơn thế so với mức giá ở chợ Hà Nội, trừ những hàng cỗ nấu sẵn ở chợ Hàng Bè nổi tiếng vì được ngưỡng mộ về độ hoàn hảo tỉ mỉ kiểu "chuẩn phố Hàng" để có cái giá sắc như dao cứa cổ. Ấy thế mà hàng bán ra hết ngay. Hết ngay là vì chúng còn mang giá trị của một vùng văn hóa được lấy làm tiêu chuẩn.

Rõ ràng điều cốt yếu ở việc đi chợ mua đồ nấu Tết là chủ nhân mỗi gia đình cảm giác họ kết nối được với không khí xôn xao, náo nức của cộng đồng và điều ấy cũng khiến họ vững tin rằng mình đã có lòng thành dâng những thứ đặc sắc nhất lên tổ tiên.

3. Sau cái ăn là cái mặc. Vài năm gần đây, phong trào mặc cổ phục lan tỏa có vẻ rộng rãi. Không chỉ diện những loại áo dài tân thời của thế kỷ 20 mà nhiều người tìm cách tái hiện hình ảnh trang phục các loại áo ngũ thân từ bình dân đến cung đình của các thế kỷ xa xưa hơn, cho cả nam lẫn nữ. Điều đáng nói là trào lưu này thu hút đông bạn trẻ, có lẽ do sức hút của thời trang, nhưng ở đó còn có một mối bận tâm hướng vọng về việc tái tạo một gia phong có hơi hướng truyền thống. 

Có thể có một phần lo âu về sự tổn thương bản sắc văn hóa trong tốc độ biến đổi của xã hội, cũng như một sự hoài cổ vẫn là điều gì đó giúp những người trẻ tuổi vận lên mình những khăn áo thời xưa làm giàu thêm di sản họ được "thừa kế". Mặc một tấm áo ngũ thân, đội một vành khăn xếp cũng là một kiểu nhập vai cổ tích của người thời nay.

Ấy là chưa nói đến nhu cầu hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội như một ánh xạ của đời thực. Hình hài của cái Tết chẳng đâu rõ rệt bằng hình ảnh gia đình sum vầy, cùng những nghi thức cổ tích cũng đã trở thành trọng điểm khai thác của nền kinh doanh hàng hóa xoay quanh vụ Tết. 

Đã có hàng triệu bức ảnh chụp mâm cỗ bày biện đẹp - cái bánh chưng nấu dền xanh màu lá dong, con gà luộc da vàng óng - hay tà áo dài "thật giống các cụ ngày xưa" và liên tục những quảng cáo nhắm vào giá trị gia đình. Tất nhiên, thời buổi này chẳng có gì đem lại lợi nhuận mà công nghệ ảo và kỹ nghệ kinh doanh hàng loạt buông tha, nữa là cái "cổ tích" đáng tiền kia.

Nhưng những phương thức khai thác có vẻ khôn lanh của nền thương mại đại trà cũng chỉ mượn chút sắc màu bề nổi để bạn nhập vai kiểu du khách xuyên không trong chốc lát. Giữ cho cái Tết có "cảm giác cổ tích" hẳn nhiên không chỉ ở một vài chuyện lễ bái, ăn mặc mà còn phải từ một triết lý về bản sắc ngay trong mỗi nhà.

Tết đúng là một màn diễn họa phong tục phục vụ cho mục đích an cái tâm, vui con mắt, ngon cái miệng, nhưng để đi đến đoạn vui, ngon và an tâm ấy, người ta đã phải có ý sẵn. Ý đó sinh ra từ chính mối quan hệ tam giác cá nhân - gia đình - xã hội, khi các bên đều nhận ra những phong tục như ngày Tết chính là thứ có khả năng duy trì bản sắc của họ. Thiếu vắng chúng, chúng ta tựa như lạc trong câu chuyện cổ tích mà không biết phải ước muốn điều gì.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo