Sau hơn 8 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, nông nghiệp Đồng Tháp chuyển dịch theo hướng ngày càng gắn kết với thị trường tiêu thụ thông qua việc phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao khả năng cạnh tranh của các loại nông sản chủ lực.
Khoa học, cẩn trọng
Đồng Tháp là tỉnh thuần nông ở ĐBSCL. Dù nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh nhưng những năm trước, cơ cấu sản xuất chưa chuyển dịch theo hướng gắn kết với thị trường tiêu thụ thông qua việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể, chưa có nhiều chuỗi liên kết gắn với xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP).
Xoài là cây trồng chủ lực của Đồng Tháp, được sản xuất tập trung thành vùng hàng hóa
Những năm trước, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Đồng Tháp còn yếu. Tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội ở địa phương này còn cao.
Từ thực tế đó, Đồng Tháp xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả; tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, dựa vào việc đổi mới tổ chức sản xuất và ứng dụng khoa học - công nghệ; gia tăng hiệu quả kinh tế của diện tích đất sản xuất.
Bên cạnh đó, Đồng Tháp phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, sản xuất hữu cơ gắn với đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ; đẩy mạnh liên kết giữa vùng sản xuất - kho bảo quản sau thu hoạch - thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực quản lý rủi ro để ứng phó tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên tự nhiên và môi trường sinh thái.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết tỉnh nhận thức rõ cơ hội, thách thức của ngành nông nghiệp địa phương. Vì vậy, cần phải cơ cấu lại ngành này để làm căn cứ điều chỉnh cơ cấu kinh tế toàn tỉnh theo định hướng đến năm 2030.
"Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trên cả nước trình Chính phủ Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp. Đề án được xây dựng khoa học, cẩn trọng. Đồng Tháp đã sớm triển khai đề án, từ việc thành lập ban chỉ đạo và bộ phận giám sát, ban hành kế hoạch cụ thể, đến tuyên truyền vận động và bố trí kinh phí thực hiện. Mục tiêu của đề án là gia tăng tỉ trọng những sản phẩm có giá trị, phù hợp nhu cầu thị trường, theo hướng tăng lợi nhuận, chất lượng và sức cạnh tranh" - ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.
Ngành hàng chủ lực
Xác định xoài là một trong những ngành hàng chủ lực, cùng với việc áp dụng GAP và các tiêu chuẩn kỹ thuật bền vững tại vùng chuyên canh, Đồng Tháp chú trọng cải tiến giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ mới để bảo quản, chế biến. Thương hiệu xoài Đồng Tháp từng bước được xây dựng ở thị trường trong và ngoài nước.
Ông Đặng Văn Những tham gia mô hình sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, truy xuất nguồn gốc Ảnh: NHA MÂN
Đồng Tháp còn tạo điều kiện phát triển hệ thống logistics phục vụ thương mại cho xoài và các loại nông sản khác gắn với chợ đầu mối trái cây của tỉnh. Ngoài ra, Đồng Tháp cũng hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống vận chuyển, kho chứa lạnh và hệ thống xử lý, sơ chế theo đề xuất, phương án kinh doanh từ các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh đặt tại những thành phố lớn.
Một trong những mô hình canh tác xoài thành công ở Đồng Tháp là Tổ Hợp tác sản xuất tại ấp Tân Hậu, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh với 24 thành viên, do ông Đặng Văn Những, Chủ nhiệm Tâm Quê Hội quán, làm tổ trưởng. Khi tham gia tổ hợp tác, người dân được nhà nước hỗ trợ 50% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc sản xuất...
Ông Những cho biết ông canh tác 1,5 ha xoài theo hướng hữu cơ bằng cách dùng củ gừng, ớt ủ chung để phun xịt trừ sâu bệnh cho trái xoài. Ông nhận xét: "Trái xoài sản xuất theo hướng hữu cơ khi ra thị trường được truy xuất nguồn gốc, bán được giá cao. Nông dân tham gia tổ hợp tác cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trồng xoài theo hướng hữu cơ, chỉ nhau bài thuốc phun xịt cây để giảm chi phí sản xuất, đồng thời phối hợp với HTX Tân Thuận Tây liên kết bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra".
Trách nhiệm với cộng đồng
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, việc tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương hướng đến mục tiêu nông nghiệp sinh thái, hiện đại, chuyên nghiệp; chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
"Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp là quá trình phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, có trách nhiệm với cộng đồng; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất với thị trường, ứng dụng khoa học - công nghệ; chuyên môn hóa nông dân và nâng cao thu nhập cho họ; bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới" - ông Phạm Thiện Nghĩa nhìn nhận.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)