Sự kiện này góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung và bánh dân gian Nam Bộ nói riêng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở nghề bánh và du khách trải nghiệm, tăng cường liên kết, hợp tác, xúc tiến đầu tư, khai thác.
Chị Nguyễn Thị Nhã Trân và chị Lý Thị Bích - chủ tiệm AZ Bánh, ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ - dự định sẽ đem một số loại bánh dân gian đi thi tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ này. "Chúng tôi mong muốn khi nhiều người thưởng thức bánh dân gian, họ sẽ tìm lại được hương vị ngày còn thơ bé. Đây cũng là việc góp phần bảo tồn bánh dân gian mà chúng tôi hướng tới" - chị Bích bày tỏ.
Thực tế thời gian qua, cứ vào các chiều cuối tuần, nhiều thực khách đã tìm đến AZ Bánh để thưởng thức hàng chục loại bánh dân gian Nam Bộ. "Tiệm có hơn 20 loại bánh dân gian Nam Bộ như: bánh bò, bánh đúc mặn, bánh ít trần nhân mặn/ngọt, bánh bột báng, chuối xào dừa, chuối rim, khoai mì nướng, bánh chuối nướng… Màu sắc của bánh được lấy từ màu của rau củ, hoa quả như trái gấc, trái dành dành, hoa đậu biếc, lá cẩm, lá dứa, bí đỏ, khoai tím. Đặc biệt, chúng tôi không sử dụng hàn the" - chị Trân khẳng định.
Chị Nguyễn Thị Nhã Trân với các loại bánh dân gian Nam Bộ đầy màu sắc
Theo chị Trân, cách đây 2 năm, khi còn làm nhân viên văn phòng, chị rất hay "ăn vặt" các loại bánh dân gian như: bánh bò, bánh tét… Sau đó, chị đi học một khóa huấn luyện thì tình cờ gặp chị Bích cũng cùng sở thích. "Chúng tôi rất hợp nhau trong việc ẩm thực, nhất là các loại bánh. Sau đó, cả hai nghĩ tại sao mình không làm để bán cho nhiều người thưởng thức?" - chị Trân nhớ lại.
Từ ý nghĩ này, 2 người phụ nữ đã học cách làm bánh từ người thân rồi bán qua mạng. Nhận được tín hiệu khá tốt từ khách hàng, nhất là nhân viên văn phòng, nên họ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, dần dần đã có công thức làm bánh riêng cho mình. Đến năm 2021, chị Trân và chị Bích thuê mặt bằng tại đường Trần Vĩnh Kiết, TP Cần Thơ để bán thêm bánh cho khách, ngoài việc kinh doanh qua mạng.
Chị Trân cho biết lúc chưa ảnh hưởng dịch Covid-19, các loại bánh dân gian của tiệm được đưa vào hội nghị, hằng tháng doanh thu đến 200 triệu đồng. Hiện nay, với việc kinh doanh tiệm bánh trên, 2 phụ nữ này cũng có thu nhập khá và tạo việc làm cho nhiều sinh viên đến phụ việc.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa - soạn giả Nhâm Hùng, ngoài giá trị ẩm thực và văn hóa độc đáo, bánh dân gian Nam Bộ còn có vai trò trong việc thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Vì vậy, ông đề xuất lập bản đồ các cơ sở làm bánh dân gian, gắn với tour tuyến du lịch để tạo thêm điểm nhấn; chú trọng xây dựng thương hiệu, hài hòa giữa ẩm thực Nam Bộ với xu hướng ẩm thực cả nước và thế giới…
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)