Theo đó, giá thu mua mía tại ruộng là 730 đồng/kg, tăng 30 đồng/kg so với giá thông báo đầu vụ. Công ty cũng sẽ căn cứ diễn biến thị trường để tiếp tục điều chỉnh tăng giá phù hợp cho nông dân. Nhiều nông dân hồ hởi cho biết với giá mía tăng trở lại, họ sẽ mở rộng diện tích trồng vụ mới.
Vài tháng trước đó, giá mía tụt dốc không phanh khiến nhiều người trồng mía gặp khó khăn. Không ít người chán nản, muốn phá bỏ ngay ruộng mía để tìm cây trồng khác thay thế, mong thoát khỏi cảnh "được mùa mất giá". Nghịch lý ở chỗ mặc dù giá thu mua mía nguyên liệu rớt thê thảm trong suốt thời gian dài nhưng giá đường cát nội địa luôn duy trì ở mức cao. Và trong một thời gian dài, đường cát Thái Lan cứ tuồn vào nội địa thông qua đường biên giới Campuchia.
Nói vậy để thấy nông dân Phụng Hiệp chớ vội khấp khởi giá mía sẽ tăng, rồi đổ xô trồng vụ mới.
Còn nhớ ở Cà Mau, mía từng được xem là loại cây trồng được tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, khuyến khích nhà nông canh tác. Nhiều hộ nhờ trồng mía đã thoát nghèo bền vững. Thế nhưng, khoảng 3 năm trở lại đây, chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh này không khuyến khích nhà nông trồng mía nữa vì hiệu quả canh tác thấp và giá cả không mấy ổn định.
Cần biết thêm là thực hiện cam kết của Việt Nam trong ASEAN và triển khai Nghị quyết số 130/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương vừa ban hành thông tư về việc không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường có xuất xứ từ các nước ASEAN. Theo đó, sau khi thông tư này có hiệu lực (từ ngày 1-1-2020), số lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN không tính vào lượng hạn ngạch thuế quan hằng năm. Điều này khiến ngành mía đường trong nước sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức bởi sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước ASEAN. Vì thế, đánh cược vào cây mía với việc mở rộng vùng nguyên liệu sẽ gặp rất nhiều rủi ro.
Hiện tại, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Mía đường Việt Nam nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, quản lý nhập khẩu phù hợp với cam kết quốc tế để bảo đảm cạnh tranh công bằng, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước nếu có sự gia tăng đột ngột của hàng nhập khẩu dẫn đến thiệt hại cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trở lại chuyện giá mía nguyên liệu khởi sắc, không ít người trồng mía ở miền Tây đang vui ra mặt. Vui là vì Tết nguyên đán đến gần nên coi như tạm thời thoát khỏi tình trạng "được mùa mất giá". Còn về lâu dài, chuyện hết vui lại buồn xung quanh cây mía thì chẳng ai dám khẳng định khi nào mới đến hồi kết.
Bình luận (0)