Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2011-2015, vốn đầu tư hạ tầng giao thông cho ĐBSCL chỉ chiếm khoảng 12,2% cả nước và giai đoạn 2016-2020 khoảng 15,5%. Hệ thống hạ tầng giao thông kém tạo ra các điểm nghẽn, kìm hãm phát triển kinh tế vùng ĐBSCL.
Vì vậy, thông tin về 2 tuyến cao tốc ở miền Tây: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu đang được nghiên cứu triển khai là mong đợi bấy lâu nay của chính quyền, nhà đầu tư và người dân.
Xét về không gian phát triển và liên kết vùng, đây sẽ là 2 tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên kết nối 2 tuyến cao tốc trục dọc Bắc - Nam ở phía Đông (TP HCM - Cần Thơ) và phía Tây (TP HCM - Long An - Đồng Tháp - Cần Thơ - Kiên Giang). Nhìn rộng ra là mở ra cánh cửa phát triển biên giới Tây Nam, kết nối với Campuchia. Mặt khác, việc định hướng đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu Trần Đề trở thành cảng lớn nhất khu vực, cũng cần kết nối vào mạng lưới giao thông đường bộ nội vùng và liên vùng, phù hợp chiến lược, quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2030.
Việc sớm triển khai nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, chọn lựa phương thức huy động vốn đầu tư, bố trí vốn kịp các kỳ kế hoạch 5 năm ngay trong thời điểm hiện tại là rất quan trọng. Hai tuyến cao tốc mới kết nối với cảng biển Trần Đề, cụm cảng biển ĐBSCL và kết hợp với đường cao tốc TP HCM - Cần Thơ có thể tạo thành hệ thống đường cao tốc liên hoàn để giúp khu vực ĐBSCL phát triển theo nhiều kịch bản: "Công nghiệp hóa 2 nút kép" hay "kinh doanh nông nghiệp".
Thực ra, hơn 12 năm trước, ý tưởng về việc đầu tư đường cao tốc Cần Thơ - An Giang - Phnom Penh (Campuchia) đã được hình thành, lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng đã thảo luận và chỉ đạo tiến hành khảo sát, xúc tiến kêu gọi, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 1,8 tỉ USD nhưng rồi chìm dần vào quên lãng do chưa giải quyết được vấn đề "đầu tiên - tiền đâu".
Tháo các điểm nghẽn giao thông đồng bằng là tìm lời giải cho bài toán khó "vốn ít, nhu cầu đầu tư lớn". Đó là bài toán vốn đầu tư, xác định thứ tự ưu tiên bằng các giải pháp khả thi, đầu tư tập trung, đồng bộ; bảo đảm tiến độ thi công, chất lượng công trình giao thông và tăng cường giao thông liên kết vùng và kết nối các phương thức giao thông. Trong đó, đường cao tốc là một ưu tiên để kết nối không gian kinh tế vùng.
Một khi chưa giải quyết được cơn khát đường cao tốc thì vùng trọng điểm nông nghiệp miền Tây vẫn đi trên "những đôi chân rùa bò". Thế nên, xúc tiến đầu tư xây dựng 2 tuyến cao tốc trục ngang kết nối đầu tiên chính là việc cấp thiết phải làm.
Bình luận (0)