Thực tiễn cho thấy không thể kéo dài tình trạng phong tỏa, giãn cách trên phạm vi rộng bằng các biện pháp hành chính cứng nhắc thái quá khi tình hình dịch bệnh đã có chuyển biến tốt hơn.
Nhiều địa phương phía Nam đã lên kế hoạch mở cửa lại các chợ đầu mối và lộ trình thúc đẩy hoạt động kinh doanh, mở lại các tuyến du lịch. Nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng đã nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép một số hoạt động kinh doanh trở lại, thu hẹp "vùng đỏ", mở rộng "vùng xanh". Đây là khoảng "thời gian vàng" tích cực chuẩn bị để sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Thận trọng, an toàn khi quyết định mở cửa là yêu cầu hàng đầu nhưng đã đến lúc không thể nói mở hay không mở cửa nữa, mà phải nói không thể không mở cửa. Đó là ý kiến chung của nhiều người, không chỉ là hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học mà còn là ý kiến của lãnh đạo nhiều địa phương. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là hiện thực hóa tư duy "sống chung với dịch", tạo ra "bước chuyển" trong hành động, từ bị động sang chủ động.
Việc 14 hiệp hội doanh nghiệp (DN) tập hợp các kiến nghị, đề xuất chiến lược phòng chống dịch theo "điểm" rất cần được ghi nhận. Phòng chống dịch cần bảo đảm cả 3 trụ cột y tế, kinh tế và xã hội như "kiềng ba chân". Các địa phương cần rà soát để bãi bỏ các hạn chế về vận tải hàng hóa giữa các tỉnh, TP và liên vùng, chỉ kiểm tra tại điểm đầu và điểm đến. Nếu đến từ các vùng có dịch thì tuân thủ 5K + xét nghiệm âm tính trong 72 giờ + nguyên tắc không tiếp xúc; các vùng khác chỉ cần 5K.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra tình trạng địa phương áp dụng phong tỏa "tùy tiện" mà không xác định rõ mục tiêu, lộ trình và giải pháp rõ ràng để tập trung xử lý làm chuyển biến tình hình dịch bệnh. Việc xác lập các "pháo đài chống dịch" cứng nhắc ở nhiều nơi cần được xem xét lại theo chỉ đạo của Thủ tướng: "Phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp".
ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản quốc gia, kết nối với TP HCM. "Sống chung với dịch" cần phải được thể hiện qua sự "sống chung với nhau" theo cách tiếp cận vùng, liên vùng. Việc mở rộng "vùng xanh", mở cửa kinh tế phải gắn với việc khơi thông dòng chảy "chuỗi cung ứng". Cần bảo đảm sự vận hành của hệ thống logistics, mạch máu nền kinh tế, không chỉ là hàng tiêu dùng thiết yếu mà còn là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của nông dân, HTX và DN cũng như đầu ra cho tiêu thụ hàng hóa.
Mỗi ngành, địa phương, DN cần chuẩn bị các kịch bản, trong đó cần phải có gói giải pháp trước mắt mang tính "cấp cứu" DN, HTX, bà con nông dân và chiến lược lâu dài. Các nhóm giải pháp dài hạn cần được xây dựng kỹ càng, bố trí nguồn lực thực hiện trong điều kiện tài chính khó khăn và phải có phương án dự phòng.
Bình luận (0)