Nuôi được con tôm tới ngày thu hoạch là cả quá trình kỳ công lẫn may mắn đối với nông dân. Thế nhưng, vào mùa thu hoạch này, người nuôi ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng đối diện một vụ tôm bất trắc chưa từng có tiền lệ.
"Đỏ mắt" tìm nhân công thu hoạch
Ông Võ Hồng Ngoãn, một trong những người nuôi tôm có nhiều kinh nghiệm ở tỉnh Bạc Liêu, cho biết trong suốt mấy chục năm thăng trầm với nghề, ông chưa từng thấy cảnh người nuôi phải lo lắng khi thu hoạch tôm như năm nay.
"Nuôi được con tôm tới ngày thu hoạch thì ai cũng mừng, cho dù giá cả có trồi sụt như thế nào đi nữa. Thế nhưng, ngay lúc này, người nuôi tôm lại lo sợ trắng tay khi trong ao đầy ắp tôm đã đến lứa thu hoạch nhưng tìm không ra thương lái và người kéo tôm" - ông Ngoãn giải thích.
Đoàn viên thanh niên tỉnh Đồng Tháp tham gia các đội thu hoạch nông sản hỗ trợ nông dân .Ảnh: TÂM MINH
Từ khi các địa phương ở ĐBSCL thực hiện những biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, các vựa tôm, nhà máy hạn chế thu mua vì thiếu nhân công sơ chế. Thương lái không huy động được lực lượng thu hoạch tôm thuê nên cũng không thể tổ chức thu mua.
"Những ngày qua, rất nhiều nông dân gọi điện thoại cho tôi để bán tôm. Họ gọi với giọng cầu khẩn, thậm chí đề nghị bán giá rất thấp nhưng thật tình tôi không thể mua. Ngoài việc các nhà máy chỉ mua theo nhu cầu sản xuất, vấn đề nan giải là tìm đội thu hoạch tôm chuyên nghiệp. Người làm nghề kéo tôm thuê muốn đi qua địa bàn xã khác, huyện khác buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Việc xét nghiệm mất thời gian và tốn kém nên phải trả giá thuê rất cao, họ mới chịu làm" - ông Ngô Tấn Lộc, một thương lái ở tỉnh Bạc Liêu, cho biết.
Nông dân tỉnh Bạc Liêu thu hoạch tôm thời điểm chưa giãn cách xã hội .Ảnh: DUY NHÂN
Nhiều năm theo nghề nông, có lẽ đây là năm đầu tiên gia đình ông Lê Văn Công (xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) phải tự huy động nhân công tại chỗ để thu hoạch khoai lang do thiếu người trầm trọng.
Lúc chưa có dịch bệnh, khi đến vụ, thương lái đem theo đội nhân công tới vừa thu hoạch vừa phân loại khoai lang, còn ông Công chỉ nhìn cân và đếm tiền mang về. Còn hiện tại, đội thu hoạch của thương lái không hoạt động, vì vậy ông phải tự tìm nhân công.
Ở xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã có những hộ nuôi cá sặc rằn bắt đầu tự sơ chế để bán vì mỏi mắt chờ thương lái và thiếu nhân công.
Theo ông Nguyễn Thành Hậu (ngụ xã An Bình, huyện Cao Lãnh), trước khi có dịch Covid-19, giá cá sặc rằn 40.000 đồng/kg, thương lái đưa nhân công vào tận ao tự bắt, tự cân. Đến khi giãn cách xã hội, giá cá chỉ còn 25.000 đồng/kg mà thương lái cũng không thể vào mua vì thiếu nhân công thu hoạch. Vậy là từ chỗ bán sỉ cho thương lái, nay nhiều hộ nuôi phải chuyển sang bán lẻ. Cùng với đó, người nuôi phải tự thu hoạch, có khi phải làm cả đêm để bảo đảm đủ đơn hàng.
Thành lập các tổ giúp dân
Nói về hướng tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm nói riêng và chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản, thủy sản nói chung, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết sở đã thành lập các tổ phản ứng nhanh tại tất cả xã trong tỉnh. Tổ này có nhiệm vụ cung ứng vật tư đầu vào và thu hoạch, thu mua tôm của nông dân. Tuy nhiên, khi người nuôi tôm thu hoạch đồng loạt thì lực lượng này cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu; chủ yếu là ưu tiên xử lý các tình huống khẩn cấp khi ao tôm sắp thu hoạch của người dân gặp bất trắc.
Trong khi đó, tại tỉnh Đồng Tháp, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... vừa thành lập các tổ dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc, thu hoạch nông sản cho nông dân, mỗi tổ 20 - 30 người. Thành viên các tổ này được ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 và thực hiện bảo đảm các quy định về phòng chống dịch.
Theo đó, để giúp nông dân địa phương tiêu thụ sản phẩm, Hội Nông dân xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã thành lập Tổ nông dân hỗ trợ thu hoạch nhãn với 7 thành viên là người địa phương.
Khi nông dân có nhu cầu thu hoạch nhãn nhưng không có nhân công sẽ liên hệ trực tiếp với tổ hoặc Hội Nông dân xã để đưa lực lượng đến hỗ trợ. Tùy theo diện tích mà số thành viên hỗ trợ nhiều hay ít, qua đó giúp nông dân thu hoạch nhãn kịp thời nhưng không mất tiền công.
Huyện Đoàn Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cũng đã triển khai thành lập các đội tình nguyện thu hoạch nông sản cho nông dân. Sau khi thu hoạch, nông sản sẽ được vận chuyển đến từng điểm là hộ gia đình, thương lái hay các điểm tập kết tiêu thụ trên địa bàn huyện... Nhờ triển khai đồng bộ, chỉ sau vài ngày thành lập, các đội đã giúp nông dân tiêu thụ được khoảng 100 tấn nông sản các loại.
Tại tỉnh Sóc Trăng, ông Ngô Công Luận (ngụ xã Hoà Tú 2, huyện Mỹ Xuyên) cho biết nơi ông ở là "vùng xanh". Các đại lý đều có tổ nhân công đi mua tôm. Khi hộ nào trong xã có tôm cần bán thì tổ nhân công ở xã đó đi thu mua, rất thuận lợi.
Tiêm vắc-xin cho lực lượng thu hoạch nông sản
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ vừa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, UBND các quận, huyện quan tâm hỗ trợ xét nghiệm nhanh, tiêm vắc-xin cho lực lượng lao động tham gia tổ dịch vụ thu hoạch, bốc xếp, vận chuyển, sấy, sơ chế lúa, thương lái. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phương tiện, tổ dịch vụ và doanh nghiệp tham gia thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)