xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thêm một mùa lũ thất bát

Bài và ảnh: THỐT NỐT

Nước từ thượng nguồn đổ về muộn và ít hơn cùng kỳ nhiều năm nên nguồn lợi thủy sản khan hiếm khiến người dân thất vọng

Những ngày này, nước lũ đã rút cạn trên những cánh đồng giáp biên giới với Campuchia để nhường chỗ cho vụ mùa mới. Ở một vài nơi, người dân vẫn cố vớt vát lượng cá còn sót lại dưới những lòng kênh.

Thất thu vì lũ về muộn

Ông Lê Văn Xíu (ngụ ấp Tà Ngáo, xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết do năm nay nước lũ về quá muộn nên gia đình ông không dám đầu tư mới cho việc đánh bắt thủy sản ngoài tự nhiên như những năm trước. Những ngày rảnh rỗi ngồi chờ con nước lên, vợ chồng ông tập trung vá những phần lưới dùng làm dớn bắt cá bị rách để tiết kiệm chi phí đầu tư lên đến hàng chục triệu đồng.

Cũng do nước lũ về muộn nên ông Xíu quyết định không sang Campuchia thuê mặt nước đặt dớn bắt cá với chi phí khoảng 150 triệu đồng như thường lệ nữa. Thay vào đó, khi con nước vừa chụp đồng được chừng 50 cm, ông cùng 4 người con "xí phần" tại khu vực giáp ranh với Campuchia để đặt giàn dớn dài khoảng 2 km. Thế nhưng, khi gia đình lão nông này vừa đặt dớn xuống mặt ruộng chưa được bao lâu thì nước lũ cuồn cuộn đổ về làm các giàn dớn ngập sâu trong biển nước nên lượng cá đánh bắt được chẳng bao nhiêu.

"Mang tiếng là mùa lũ chứ thật ra chúng tôi chỉ đón bắt được một ít cá linh với một số loại cá tạp khác trong khoảng 15 ngày. Cũng do năm nay đặt dớn ít hơn mọi năm nên mỗi ngày tôi chỉ bắt được khoảng 20 kg cá các loại, đa số là cá linh. Ban đầu, giá cá linh được bạn hàng tới đây mua 60.000 đồng/kg, sau đó sụt dần. Trừ hết các chi phí thì cả mùa lũ năm nay, gia đình tôi kiếm được khoảng 20 triệu đồng. Còn nếu năm nay tôi qua Campuchia thuê mặt nước bắt cá thì với tình hình này chắc chắn sẽ lâm nợ" - ông Xíu than thở.

Theo ông Phạm Văn Tài ở xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, năm nay lũ về muộn nhưng ngành chức năng trong tỉnh xả lũ sớm để nông dân kịp xuống giống lúa theo thời vụ nên đa số dân nghèo sống bằng nghề câu lưới, đặt đú hay đặt dớn đều thất thu. Hiện tại, sau khi nước lũ chuẩn bị rút cạn đồng, ông Tài thuê người phụ kéo các giàn dớn xuống cặp mé kênh Vĩnh Tế để đặt bắt những đợt cá cuối cùng trong mùa lũ này.

Thêm một mùa lũ thất bát - Ảnh 1.

Người dân dùng vó cất bắt những đợt cá cuối cùng còn sót lại trên các tuyến kênh nội đồng tại khu vực xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang

Tái tạo nguồn lợi thủy sản

Ông Tài cũng than rằng lượng cá đồng năm nay rất khan hiếm nên có khi 2-3 ngày mới đi thăm dớn một lần nhưng cũng chỉ được 5-7 kg. Đêm nào cá chạy nhiều nhất cũng chỉ bắt được chừng 10 kg. Thậm chí, có người bỏ mặc cho các giàn dớn chịu mưa chịu nắng hoặc bị chuột đồng cắn phá vì sợ lỗ chi phí đi lại do cá bắt được quá ít.

"Cá mắm năm nay không có gì hết. Làm ngày nào thì đủ ăn ngày đó chứ không thể dư được đồng nào. Tính ra thì tới giờ, tui vẫn còn thiếu nợ hơn chục triệu đồng tiền thuê người phụ các khâu như vá lưới, đặt dớn rồi khi nước rút cạn còn phải cuốn về chứ một mình tôi thì không làm nổi. Bây giờ làm lúa thì lỗ mà làm cá cũng không có ăn, chắc tôi phải kiếm nghề khác làm để kiếm sống qua ngày" - ông Tài bộc bạch.

Còn anh Nguyễn Văn Tuấn ở khóm Vĩnh Xuyên, phường Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, thì cho rằng vấn đề mà ngư dân lo nhất là lượng cá linh mỗi năm ít dần. Bởi cá linh đầu mùa có giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg thì dân nghèo chuyên sống bằng nghề này mới có cái ăn, cái mặc. Hơn nữa, đặc thù của cá linh là càng lớn càng mất giá nên khi lũ về muộn thì cá đã lớn, rớt giá thê thảm.

Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cho biết đầu mùa lũ năm nay, mực nước trên các sông ở phía thượng nguồn khô cạn dẫn đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên hạn chế nên hoạt động khai thác thủy sản nội địa đã giảm đi rất nhiều. Trước tình hình này, tỉnh An Giang vừa thả 14,7 tấn cá loại lớn và 193.000 con cá giống ra sông để tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên vốn đã khan hiếm. Tổng kinh phí của đợt thả cá gần 1 tỉ đồng từ nguồn vận động của các tổ chức và cá nhân. 

Nhân rộng mô hình "sinh kế mùa lũ"

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh vừa khảo sát các mô hình "sinh kế mùa lũ" ở thị xã Hồng Ngự và huyện Hồng Ngự. Qua khảo sát, ông Hùng yêu cầu chính quyền địa phương nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả trong thời gian tới. Các ngành chuyên môn tiếp tục quan tâm, theo dõi sát mô hình để kịp thời hỗ trợ người dân về kỹ thuật cũng như giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện, kết nối tìm đầu ra cho các sản phẩm của nông dân; đồng thời nghiên cứu khai các mô hình sinh kế mới.

Theo số liệu thống kê, năm 2019, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 4 loại hình sinh kế mùa lũ được thực hiện với 12 điểm trình diễn. Trong đó có loại hình sinh kế 2 lúa - 1 cá tự nhiên, cá đồng; 2 lúa - 1 tôm càng xanh; 2 lúa + vịt - 1 cá tự nhiên, cá đồng; 2 hoa màu - 1 cá tự nhiên, cá đồng. QUANG TRƯỜNG


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH



Thêm một mùa lũ thất bát - Ảnh 3.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo