Vài năm trước, Hồ Văn Thuận (27 tuổi), Hồ Công Cường (32 tuổi; dân tộc Vân Kiều; cùng ngụ thôn Vùng Kho, xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) từng là thủ lĩnh nhóm lâm tặc độ chục trai tráng trong thôn Vùng Kho. Cánh rừng cạnh thôn vì thế in dấu chân họ và ít nhiều cây rừng đã ngã xuống. "Ngày đó, vợ dại con thơ, không có nghề nghiệp gì trong tay, tụi miềng phải vào rừng tìm chén cơm" - Thuận thuật lại.
Bỗng một ngày, Thuận và Cường rủ nhau bỏ nghề. Chiếc máy cưa từng dọc ngang núi rừng được cho vào bao tải, cột chặt, cất vào xó. Những bạn nghề của Thuận và Cường chưng hửng, chả hiểu lý do và rồi "sốc" hơn khi cả hai cùng gia nhập tổ bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông.
"Đến lúc phải dừng lại và làm một điều gì đó" - Thuận nói chắc nịch và cho biết khi đang làm lâm tặc thì có một cán bộ bảo vệ rừng thường xuyên đến nhà khuyên bỏ nghề. Cán bộ này chẳng phải ai xa lạ mà là người thường bị Thuận, Cường hăm dọa, đòi đánh khi quyết ngăn chặn họ đốn hạ cây rừng.
"Sau này tụi miềng mới biết tên đầy đủ của anh là Võ Văn Đà, cán bộ Trạm Bảo vệ rừng Krông Klang. Ngày ấy, cứ dọn cơm ra ăn là anh ấy cùng một số cán bộ khác đến. Lúc đầu thì hỏi thăm sức khỏe, sau thì khuyên đừng phá rừng nữa. Anh lấy ví dụ ngay tại làng Vùng Kho của miềng, rồi giải thích phá rừng ảnh hưởng thế này, tác hại thế kia. Miềng nghe riết cũng lọt lỗ tai" - Thuận thủng thẳng kể.
Anh Hồ Công Cường, Hồ Văn Thuận nay sát cánh cùng anh Võ Văn Đà (từ phải sang trái) tuần tra, bảo vệ rừng
Anh Võ Văn Đà (43 tuổi) cho hay phải mất hàng tháng trời anh em trong tổ bảo vệ rừng mới thuyết phục được Thuận. Những ngày đầu đến vận động, Thuận rất cộc cằn. Có lần Thuận chỉ tay về phía bố mẹ, người vợ trẻ cùng 2 đứa con nhỏ, hỏi "miềng mà bỏ nghề thì ai nuôi họ đây?".
Sau quá trình dài cùng ăn, cùng ở, nhiều lúc Thuận tâm sự với anh Đà rằng rất muốn bỏ nghề vì đã thấy con suối đầu làng bắt đầu cạn, nương rẫy nhiều nơi bị sạt lở, chim muông không thấy về. Nhưng đất đai canh tác ít, cả vợ chồng Thuận không có việc làm nên chưa biết mưu sinh ra sao nếu "gác" máy cưa.
Đang chưa biết tính cách nào thì Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông có chủ trương tuyển thêm "quân" để tuần tra, bảo vệ rừng. Thuận là người đầu tiên được những người giữ rừng đề xuất một chân giữ rừng tại xã Đakrông. Được nhận vào tổ bảo vệ rừng, được nhận đồng lương chân chính đầu tiên, Thuận rủ Cường "đi với tao, đừng phá rừng nữa!". Và đến nay, đã hơn một năm họ sát cánh bên nhau trong việc tuần tra, bảo vệ rừng. Trong khi đó, nhóm "lâm tặc thôn" mà Thuận, Cường từng làm thủ lĩnh cũng tan rã ngay cái hôm họ khoác lên người tấm áo bảo vệ rừng.
Giờ đây, dưới tán rừng phòng hộ Đakrông song song với bước chân của những cán bộ giữ rừng là dấu chân của những người từng một thời là lâm tặc. "Trước đây đốn ngã một cây rừng thấy sướng cái bụng vì vợ con được ăn no, có áo quần mặc. Giờ đi tuần rừng, thấy đất bị sạt lở, cây cối bị cưa đổ, xót bụng lắm. Giá như bà con Vùng Kho được giao khoán bảo vệ rừng hoặc có nghề nghiệp trong tay thì tốt biết bao" - Thuận trải lòng.
Bình luận (0)