Thông tin trên là nội dung được quảng cáo về công dụng của miếng dán có tên gọi X39. Miếng dán này hiện đang được giới thiệu, quảng cáo trên các trang mạng xã hội với tác dụng "thần kỳ" là "kích hoạt tế bào gốc". Mỗi ngày chỉ cần dán 1 miếng, dán luân phiên vài điểm là đã có thể thải độc cả cơ thể để được khoẻ mạnh, tươi trẻ, ăn ngon ngủ ngon.
Vậy thực hư miếng dán này có thật sự "thần kỳ" như quảng cáo? TS-BS Nguyễn Hồng Vũ - Viện nghiên cứu City of Hope, California - Mỹ đồng thời là cố vấn khoa học Ruy Băng Tím (Tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam) - cho biết theo lời quảng cáo, miếng dán phản chiếu các tần số trong cơ thể, từ đó sản xuất các "Copper tripeptide" kích thích, kích hoạt các tế bào gốc.
"Nghe có vẻ khoa học nhưng thật ra mơ hồ. Cơ thể của con người liên tục phát ra những bức xạ điện từ (electromagnetic radiation), chiều dài bước sóng phụ thuộc vào nhiệt độ cơ thể. Tất cả những bức xạ này đều nằm trong khoảng sóng hồng ngoại, mang năng lượng thấp và mắt thường không nhìn thấy được. Việc giải thích "cơ chế" hoạt động của miếng dán để "phản chiếu" lại các bức xạ của cơ thể để tạo "Copper tripeptide", từ đó kích thích, kích hoạt các tế bào gốc là "không có cơ sở" vì chưa có một bài báo khoa học chính thống nào chứng minh miếng dán này có thể làm được điều đó" - TS Nguyễn Hồng Vũ cảnh báo.
Theo TS Vũ, một số thông tin ít ỏi về công dụng của miếng dán này chỉ tìm thấy trên một số nghiên cứu với số lượng mẫu nhỏ, thí nghiệm đơn giản, không giải thích được cơ chế, không chứng minh được sự liên quan của quang học, sự kích thích tế bào gốc biệt hóa.
Thậm chí một số nội dung trong những thông tin quảng cáo còn sai cơ bản về khoa học. Ví dụ như thông tin miếng dán có thể kích hoạt tế bào gốc biến đổi thành "những tế bào mới, trẻ, khỏe,… thay thế những tế bào bị hư tổn già nua. Sau đó, cơ thể sẽ được chữa lành một cách tự nhiên. Do vậy miếng dán có rất nhiều công dụng cho người mắc tiểu đường, đau nhức vai, khớp,…". TS Vũ cho rằng đây là một nhận định sai. Không thể dựa trên đặc điểm "tái tạo mô" của tế bào gốc mà có thể "gán" cho nó là thuốc tiên, có thể chữa lành tất cả các loại bệnh. Mỗi loại bệnh có những cơ chế khác nhau và cần những phương pháp điều trị thích hợp để có thể hỗ trợ, cải thiện và hồi phục.
Cho đến nay, tế bào gốc chỉ được FDA cho sử dụng duy nhất để điều trị ở 1 loại bệnh, đó là ung thư máu bởi tác dụng điều trị của tế bào gốc ở các bệnh khác, đến hiện nay cho thấy không rõ ràng.
Đặc biệt, trên các thông tin quảng cáo còn giới thiệu sản phẩm được FDA công nhận là một thiết bị y tế và hoàn toàn lành tính. "Thông tin này sai sự thật. Qua kiểm tra thông tin tại trang web của FDA cho thấy không hề tìm thấy thông tin nào như các quảng cáo" - TS Vũ nhấn mạnh.
Ngoài ra, các sản phẩm này còn được quảng cáo là phương pháp mới, tiên tiến trên thế giới, hỗ trợ, hạn chế dùng thuốc tối đa. Đây không hề là một phương pháp được chấp nhận sử dụng bởi bất cứ tổ chức y tế uy tín nào trên thế giới và không có thông tin tin cậy nào cho thấy sử dụng miếng dán này có thể "hạn chế dùng thuốc tối đa". Phương pháp tiêm, truyền tế bào gốc chi phí cao… chỉ cần sử dụng miếng dán này là có kết quả tương đương. Đây cũng là nhận định mang tính chủ quan và không có cơ sở. "Tóm lại, việc quảng cáo sai sự thật về sản phẩm liên quan tới sức khỏe như thế này là những liều thuốc độc cho xã hội, đặc biệt những người lớn tuổi, thiếu kiến thức cập nhật. Hiểu sai về việc điều trị một căn bệnh có thể đưa ra những quyết định sai mà không thể khắc phục được" - TS Vũ khuyến cáo.
Bình luận (0)