Tuy nhiên, việc chuyển đổi đối mặt không ít khó khăn, thách thức do tốn nhiều chi phí để tái cấu trúc cơ sở hạ tầng, nâng cấp công nghệ... trong khi chính sách chưa đủ hấp dẫn.
Thiếu pháp lý, hướng dẫn
Trong lộ trình tiến tới đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, TP HCM sẽ chuyển đổi các KCN - KCX hiện hữu thành các KCN - KCX xanh, sinh thái. Trong đó, ưu tiên chuyển đổi 5 KCN - KCX thế hệ cũ gồm KCX Tân Thuận, các KCN Cát Lái, Bình Chiểu, Tân Bình, Hiệp Phước thành KCN sinh thái, công nghệ cao.
Đến thời điểm hiện tại, sau khoảng 5 năm Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Tổ chức Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) thực hiện dự án "Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu", TP HCM mới chỉ có 1 đại diện tham gia là KCN Hiệp Phước. Khoảng 40 doanh nghiệp (DN) tại KCN này đăng ký tham gia chương trình chuyển đổi mô hình sản xuất sạch hơn nhằm sử dụng hiệu quả nguyên - nhiên liệu và phát triển bền vững, song KCN chưa chính thức thí điểm chuyển đổi sang mô hình sinh thái.
Phát biểu tại nhiều cuộc làm việc về phát triển KCN theo mô hình sinh thái, ông Giang Ngọc Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Hiệp Phước, cho biết nếu chuyển đổi sang KCN sinh thái sẽ gặp nhiều vướng mắc, thách thức liên quan xử lý rác thải, môi trường, chính sách ưu đãi thuế, sử dụng đất đai...
"DN tốn nhiều chi phí để đầu tư năng lượng tái tạo, xử lý nước thải, rác thải theo tiêu chuẩn "xanh". Việc cộng sinh - DN này sử dụng chất thải sản xuất của DN kia - cũng rất khó vì đa số chất thải công nghiệp buộc phải qua DN chuyên xử lý trước khi trở thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất" - ông Phương nêu.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec (chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền, TP Hải Phòng), cho hay nhiều DN Việt Nam - nhất là nhóm DN đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN, cụm công nghiệp - đã bắt đầu đưa vấn đề "xanh" vào trọng điểm hoạt động. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về pháp lý đối với việc hình thành, phát triển KCN sinh thái và chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái. Trong khi đó, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng KCN sinh thái cao hơn ít nhất 20% so với các KCN truyền thống và chưa có chuẩn "xanh" cho KCN để DN có cơ sở tiếp cận nguồn tín dụng xanh trong nước, quốc tế.
"DN đầu tư hạ tầng hay DN sản xuất, xuất khẩu đều phải chuyển đổi xanh. Đã có cơ chế, chính sách cho chuyển đổi xanh nhưng chưa tích hợp được với một số luật về quy hoạch, đất đai, thuế và môi trường trong khi để ra được giấy phép cho KCN sinh thái, phải căn cứ rất nhiều luật, qua nhiều bộ, ngành" - ông Điệp phản ánh.
Thêm động lực
Theo ông Phạm Hồng Điệp, dù tất cả địa phương trên cả nước hiện nay đều muốn phát triển công nghiệp sinh thái nhưng chỉ có 1%-2% trong số 299 KCN hoạt động tại Việt Nam đang tiến hành chuyển đổi để trở thành KCN sinh thái.
"Công nghiệp sinh thái sẽ đem lại giá trị phát triển lớn cho địa phương nhưng cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư nên chưa thể đẩy mạnh việc chuyển đổi sang KCN sinh thái, KCN xanh thành phong trào" - ông Điệp lý giải.
Riêng với TP HCM, bà Nguyễn Vân Trang, Trưởng nhóm Đông Nam Á Trung tâm Climateworks (ĐH Monash, Úc), chỉ ra việc chuyển đổi nền công nghiệp sang hướng công nghệ cao, hiện đại không chỉ là động lực mới giúp tránh tụt hậu mà đang trở thành vấn đề mang tính khẩn cấp khi vị thế trung tâm công nghiệp của thành phố đang giảm dần.
Bà Vân Trang cho rằng khi có nhiều chính sách thúc đẩy, tạo điều kiện để các KCN và DN chuyển đổi xanh, hướng đến mục tiêu Net Zero... sẽ giúp
TP HCM trở thành điểm sáng đối với các nhà đầu tư quốc tế. "Nhiều nhà đầu tư trên thế giới có xu hướng chuyển nguồn vốn đầu tư sang TP HCM. Đến năm 2050, số lượng lớn lao động trong nền kinh tế xanh sẽ tập trung tại Việt Nam, mà TP HCM là điểm đến ưu tiên" - bà Vân Trang kỳ vọng.
Tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM do UBND thành phố tổ chức vào tháng 10-2024, Trung tâm Climateworks và Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM đã ký biên bản ghi nhớ nhằm chuyển đổi các KCN hiện hữu trên địa bàn thành các KCN phát thải ròng bằng 0. Theo đó, năm 2025, Trung tâm Climateworks sẽ hợp tác với TP HCM xây dựng lộ trình chuyển đổi. Thông qua việc tận dụng kinh nghiệm từ các sáng kiến khử carbon công nghiệp ở Úc và Indonesia, trung tâm này được kỳ vọng sẽ giúp tạo điều kiện cho TP HCM nâng cao năng lực, phát triển chính sách và huy động đầu tư.
Doanh nghiệp bắt đầu cộng sinh công nghiệp
Dù còn nhiều khó khăn nhưng bước đầu, tại KCN Hiệp Phước đã có sự cộng sinh công nghiệp. Chẳng hạn, Nhà máy Meizen sử dụng khí hơi nóng từ quá trình chưng cất dầu thực vật Cái Lân vào quy trình sấy của mình; chất thải từ các nhà máy khuôn đúc của Kondo có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung của Công ty Thịnh Toàn và Công ty Đại Dũng; Công ty Giấy Xuân Mai dùng giấy vụn, giấy phế liệu của các DN khác để tái chế thành giấy cuộn, giấy vệ sinh; Công ty Nhôm Tân Quang thu gom nhôm thải từ các nhà máy khác trong KCN để tạo thành nhôm thỏi...
TP HCM đang lập đề án chuyển đổi một số khu KCN-KCX theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Kết quả tham gia dự án "Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu" của KCN Hiệp Phước sẽ là cơ sở để thành phố nhân rộng chuyển đổi các KCN hiện hữu sang mô hình KCN sinh thái.
Bình luận (0)