Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc xây dựng nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản, tự tiêu. Trong đó, cơ chế mua ĐMTMN dư thừa là nội dung nhận được sự quan tâm lớn bởi trước đó, cơ quan soạn thảo là Bộ Công Thương không "mặn mà" với việc phát nguồn điện này lên lưới quốc gia do tính chất không ổn định, tốn kém chi phí...
Cần tạo động lực đầu tư
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu đối với lượng điện dư thừa có lắp đặt pin lưu trữ, tích điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu đề xuất mua với giá hợp lý, nhất là giá mua vào giờ cao điểm. Trường hợp không có pin lưu trữ, EVN mua với giá thấp nhất trên thị trường. Lượng điện dư thừa mà ngành điện mua lại có thể xem xét bù trừ ở những thời điểm người dân mua điện của EVN do ĐMTMN không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.
Phó Thủ tướng cũng giao EVN nghiên cứu, tính toán giá điện 2 thành phần. Cụ thể, giá điện vào thời điểm không có mặt trời, giờ cao điểm phải khác giá điện lúc nắng to; giá đối với trường hợp có thiết bị, pin lưu trữ khác với trường hợp không có. Điều này nhằm bảo đảm công bằng, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ.
Theo TS Nguyễn Huy Hoạch, Hội đồng Khoa học Năng lượng Việt Nam thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, người dân và doanh nghiệp khi đầu tư ĐMTMN đều mong muốn thu hồi vốn và tốt hơn nữa là có lợi nhuận. Để không lãng phí tài nguyên, tận dụng được nguồn lực xã hội, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu cho phép phần ĐMTMN dư thừa phát lên lưới được hưởng cơ chế bù trừ với mức giá phù hợp từng thời điểm, từng vùng miền và bảo đảm hiệu quả cho EVN. "Việc mua bán ĐMTMN dư thừa sẽ có nhiều thay đổi khi công nghệ pin lưu trữ phát triển, giá thành hạ xuống và chi phí đầu tư được kéo giảm. EVN cần định kỳ công bố giá mua ĐMTMN theo nhu cầu thực tiễn" - TS Nguyễn Huy Hoạch góp ý.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - ĐHQG Hà Nội, kỳ vọng có sự thay đổi đáng kể trong chính sách khuyến khích ĐMTMN, đó là cho phép mua - bán lượng điện dư thừa để không đi ngược cơ chế thị trường. "Cơ chế giá là một trong những công cụ hữu hiệu để điều tiết, tránh tình trạng đầu tư ĐMTMN ồ ạt. Trước mắt, cần xây dựng cơ chế giá với lộ trình triển khai từng bước phù hợp với nhu cầu và khả năng đáp ứng của lưới điện... Ở những khu vực có lợi thế lớn về ĐMTMN, có thể xem xét mức giá thấp hơn khu vực có ít lợi thế. Về lâu dài, cần giải quyết đồng bộ các vấn đề để tiến tới xây dựng thị trường điện cạnh tranh" - TS Nguyễn Quốc Việt gợi ý.
Lãng phí lớn
EVN đã dừng đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống ĐMTMN phát triển sau ngày 31-12-2020 khi Quyết định 13/2020 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích, phát triển điện mặt trời hết hiệu lực. Khoảng trống chính sách này khiến nhiều dự án ĐMTMN không kịp đấu nối phải phơi nắng, phơi sương, thậm chí phải tháo dỡ, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Năm 2019, một dự án ĐMTMN được xây dựng tại KCN Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Để kịp đấu nối trước thời hạn nêu trên, chủ đầu tư đã chi hàng trăm tỉ đồng nhằm đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, cận kề ngày hết hạn, Công ty Điện lực Đắk Lắk (PC Đắk Lắk) không đồng ý đấu nối. Lý do, theo PC Đắk Lắk, là bởi khi xây dựng, nhà đầu tư không thông báo cho phía điện lực biết. Hơn nữa, vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa hết hạn đấu nối, đơn vị này mới liên hệ với ngành điện trong khi công suất đã vượt quá mức cho phép. "Đúng ra nhà đầu tư phải liên hệ với phía điện lực để được cung cấp thông tin về công suất, sau đó mới quyết định làm" - lãnh đạo PC Đắk Lắk nói.
Liên quan các dự án ĐMTMN đã xây dựng nhưng không được đấu nối trên địa bàn do quá hạn, lãnh đạo PC Đắk Lắk thông tin một số dự án do nhà đầu tư tự làm, không thỏa thuận với ngành điện. Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk chủ trì đã rà soát hồ sơ của 40 hệ thống ĐMTMN lắp trên các công trình dân dụng, nhà xưởng, trang trại nông nghiệp có quy mô khá lớn ở 15 địa phương. Kết quả kiểm tra cho thấy có hàng loạt sai phạm liên quan quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Trong khi đó, tại tỉnh Khánh Hòa, cuối năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết luận kiểm toán chuyên đề với hàng trăm dự án ĐMTMN được chia nhỏ, đấu nối sai quy định vào lưới điện hạ áp. Các dự án này được triển khai khi thủ tục liên quan chuyển mục đích sử dụng đất chưa hoàn thành, chưa có chứng nhận PCCC và giấy phép xây dựng của cấp có thẩm quyền... song vẫn được nghiệm thu và đấu nối lên lưới.
Ông Võ Huy Hoàng, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Điện mặt trời INEWSOLAR, cho biết doanh nghiệp đang tập trung vào nhóm khách hàng có nhu cầu sử dụng ĐMTMN tự sản, tự tiêu, trong đó có cung cấp giải pháp lưu trữ để sử dụng ban đêm. Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi chưa có chính sách cùng hướng dẫn từ Bộ Công Thương và các sở, ngành về việc phát triển loại hình điện này. "Nếu có chính sách cụ thể sẽ khuyến khích người dân lắp đặt ĐMTMN, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng" - ông Hoàng nói.
Hài hòa các loại hình nguồn điện
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu sẽ giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước trong việc đầu tư nguồn điện mới, do đó cần nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ về giá, thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt... Bên cạnh đó, cần phát triển hài hòa các loại hình nguồn điện, có giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn lưới điện...
Bình luận (0)