Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo sẽ trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 10-2024) và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025).
So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn, với 4 nhóm chính sách: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập; Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là công cụ quản trị thị trường lao động; Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Về mở rộng đối tượng tham gia BHTN (Điều 56), bổ sung đối tượng tham gia BHTN gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Trong báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trước đó, đối với việc mở rộng đối tượng tham gia BHTN, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng việc mở rộng đối tượng như dự thảo Luật nhằm đáp ứng mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động tham gia BHTN. Tuy nhiên qua hoạt động giám sát, khảo sát của Ủy ban Xã hội cho thấy việc mở rộng đối tượng tham gia BHTN để đạt chỉ tiêu đặt ra là rất thách thức.
Vì vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục dự báo số lượng mở rộng, bổ sung đánh giá tác động, đồng thời có giải pháp, thể hiện trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi của quy định.
Đề xuất linh hoạt mức đóng BHTN
Cùng với đó, dự thảo cũng đề xuất linh hoạt mức đóng BHTN (Điều 58) theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Tại (Điều 61), dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các chế độ BHTN theo hướng: Quy định các trường hợp người sử dụng lao động được hỗ trợ (lý do kinh tế, thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại Bộ luật Lao động; thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm; thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất kinh doanh) và quy định điều kiện hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi dễ tiếp cận chính sách.
Bổ sung quy định giao Chính phủ quy định việc hỗ trợ tiền mặt, giảm mức đóng BHTN và các hỗ trợ khác để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động căn cứ tình hình kết dư Quỹ BHTN trong các trường hợp khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh … (khoản 2 Điều 55).
Dự thảo cũng mở rộng đối tượng vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài (Điều 10) là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không giới hạn 5 đối tượng như Luật hiện hành). Đồng thời quy định đối tượng ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp hơn và quy định đảm bảo tính linh hoạt, chủ động đối với nguồn vốn của địa phương, tổ chức, cá nhân khác ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội (địa phương, tổ chức, cá nhân ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội có thể quyết định đối tượng khác được ưu tiên lãi suất hoặc ưu tiên vay vốn ngoài các đối tượng quy định chung).
Bình luận (0)