Với nhiều người lao động (NLĐ) bị mất việc làm do đại dịch Covid-19 và vì nhiều lý do khác, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã thực sự trở thành phao cứu sinh, giúp họ và gia đình trang trải cuộc sống trong thời điểm khó khăn ngặt nghèo.
Giúp vượt cảnh ngặt nghèo
Chị Trần Thị Tuyết (41 tuổi; ngụ phường Tân Mai, TP Biên Hòa) chia sẻ tháng 6-2019, chị đang làm việc tại một công ty ở KCN Biên Hòa 1 thì mẹ chị bị bệnh nặng, không đi lại được, nằm một chỗ. Do nhà neo người, chỉ có 2 mẹ con nên chị Tuyết bắt buộc phải nghỉ làm để ở nhà chăm sóc, thuốc men cho mẹ.
Từ ngày chị Tuyết nghỉ làm, không có lương, cũng không có bất kỳ nguồn thu nhập nào khác, chỉ biết trông chờ vào khoản tiền trợ cấp thất nghiệp (TCTN). "Tôi tham gia BHXH được hơn 19 năm, thời điểm nghỉ việc có mức lương hơn 7 triệu đồng. Sau khi hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, tôi được hưởng 10 tháng TCTN với tổng số tiền hơn 40 triệu đồng. Nhờ khoản tiền này mà tôi có tiền để thuốc thang cho mẹ, trang trải cuộc sống hằng ngày của 2 mẹ con" - chị Tuyết bộc bạch.
Anh Trương Thanh Phong, ngụ huyện Xuân Lộc, đến cơ quan BHXH tỉnh Đồng Nai nhận thẻ ATM để nhận tiền trợ cấp thất nghiệp
Trong khi đó, anh Trương Thanh Phong - 28 tuổi; ngụ xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc - vừa đến cơ quan BHXH tỉnh để nhận thẻ ATM và được hưởng TCTN tháng đầu tiên với số tiền hơn 5 triệu đồng. Anh Phong cho biết do điều kiện gia đình nên mới đây, anh đã xin nghỉ việc tại công ty. Từ lúc nghỉ việc đến nay, anh chưa có việc làm mới do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện anh vẫn ở nhà và phụ giúp công việc gia đình. Khoản tiền TCTN tuy không lớn nhưng sẽ giúp đỡ anh trong khoảng thời gian này.
Tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ
BHTN là loại bảo hiểm bảo đảm những quyền lợi mà NLĐ khi tham gia BHXH bắt buộc được hưởng khi bị mất việc làm. Người hưởng BHTN còn được hưởng cả BHYT và trợ cấp đào tạo nghề trong quãng thời gian chờ có việc mới.
Điều 50, Luật Việc làm năm 2013 quy định: Thời gian hưởng TCTN được tính theo số tháng đóng BHTN của NLĐ. NLĐ cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng TCTN. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng TCTN nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Thời điểm hưởng TCTN được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng TCTN theo quy định. Mức hưởng được tính bằng bình quân lương của 6 tháng liền kề. Nếu không nhận hoặc mới nhận TCTN mà NLĐ thông báo có việc làm mới, việc nhận BHTN sẽ dừng lại và cộng dồn bảo lưu.
Bà Trần Thị Thùy Trâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, cho biết 5 tháng đầu năm 2020, trung tâm đã tiếp nhận gần 26.000 hồ sơ đề nghị hưởng TCTN của NLĐ. Riêng trong tháng 5-2020, tiếp nhận gần 8.000 hồ sơ. Đối với những hồ sơ đầy đủ giấy tờ cần thiết, đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật, trung tâm sẽ báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp với BHXH tỉnh thực hiện chi trả cho NLĐ.
Những hồ sơ nào chưa đáp ứng yêu cầu thì đề nghị NLĐ bổ sung giấy tờ theo quy định. Kết quả, trong 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh có hơn 16.000 NLĐ đã được hưởng TCTN, gần 600 người được hưởng trợ cấp học nghề, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai, cho biết mỗi ngày cơ quan BHXH tỉnh tiếp nhận, trả kết quả từ 800 - 1.000 hồ sơ của NLĐ. Trong đó, có khoảng 300 - 350 hồ sơ liên quan đến BHTN. Để tạo thuận lợi cho NLĐ không phải đi lại nhiều lần, BHXH tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mở thẻ ATM cho NLĐ. Tiền TCTN hằng tháng sẽ được cơ quan chức năng chuyển vào thẻ ATM cho NLĐ.
BHXH tỉnh Đồng Nai dự báo những tháng tới, số NLĐ làm hồ sơ để hưởng TCTN sẽ còn tăng cao so với những tháng đầu năm.
Bình luận (0)