Những năm chiến tranh, rừng dừa nước ken dày màu xanh dọc các kênh lạch nước lợ này là căn cứ cách mạng. Trong thập niên 1980, khoảng 45 ha rừng dừa nước tại Cẩm Thanh bị chuyển đổi thành những cánh đồng muối. Đến những năm 1990, cả 45 ha trên và thêm nhiều diện tích khác lại chuyển sang ao nuôi tôm. Điều này đã tác động nghiêm trọng, làm suy giảm diện tích và chất lượng rừng dừa nước đặc biệt này.
Từ khoảng năm 2010 trở lại đây, các tổ chức phi chính phủ đã tài trợ dự án để người dân trồng lại những diện tích dừa nước đã bị thu hẹp do xây dựng đường sá, nhà ở, cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ. Từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã đầu tư hàng chục tỉ đồng trồng và phục hồi rừng dừa nước Cẩm Thanh nhằm tái tạo, phục hồi, phát triển rừng dừa kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng.
Nhờ được bảo tồn tốt, rừng dừa nước Cẩm Thanh trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng
Nhờ chính quyền triển khai nhiều biện pháp bảo tồn và phát triển rừng dừa nước nên đến nay, các hoạt động vì sinh kế cộng đồng tại xã Cẩm Thanh đã và đang mang lại nhiều kết quả thiết thực. Hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh hiện có khoảng 120 ha. Rừng dừa nước này giúp ứng phó biến đổi khí hậu, có tác dụng chống xói lở đất, chống xâm nhập mặn, giúp tàu thuyền trú bão…
Vài năm trở lại đây, rừng dừa nước Cẩm Thanh trở thành điểm du lịch nổi tiếng, một trong những nơi du khách không thể không ghé thăm khi đến Hội An. Ở thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, mỗi ngày, nơi đây đón đến 5.000 lượt khách du lịch. Nhờ đó, người dân địa phương có việc làm ổn định, thu nhập cao.
Để tiếp tục bảo vệ, phát triển rừng dừa nước Cẩm Thanh, vừa qua, Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm - Hội An đã đề xuất thiết lập khu bảo tồn cộng đồng tại xã Cẩm Thanh, tiến tới xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận nơi đây là vùng lõi thứ hai trong khu dự trữ sinh quyển.
Theo Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm - Hội An, giữa Cù lao Chàm và vùng cửa sông Thu Bồn - Cẩm Thanh có mối quan hệ về mặt sinh thái, quần thể, nhiều bãi đẻ của các loài cá, tôm... Cùng với sự phát triển của rừng dừa Bảy Mẫu, hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Cẩm Thanh là môi trường thuận lợi cho nhiều loài thủy sản vùng cửa sông ven biển sinh sản và phát triển. Vì vậy, rất cần có cơ chế bảo vệ, khai thác một cách hợp lý, mang tính bền vững.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho rằng khi thiết lập khu bảo tồn cộng đồng tại xã Cẩm Thanh, tiến tới xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận vùng lõi thứ hai trong khu sinh quyển, Cẩm Thanh sẽ được quản lý và phát triển bền vững. Từ đó, sinh kế của người dân sẽ tiếp tục được cải thiện.
Bình luận (0)