Những ngày này, người dân sống ven sông đoạn từ cầu Cây Da đến cầu Ông Yên (tuyến Nha Mân - Phú Long, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) đang tất bật thu hoạch nông sản phục vụ Tết nguyên đán 2021. Dù vậy, nhiều người đang sống trong tâm trạng bất an bởi hậu quả của vụ sụp lở đoạn đường hơn 50 m vừa xảy ra ven khúc sông này.
Sông "ngoạm" vô nhà, nước mặn vào vườn
Ông Phạm Văn Thạnh (ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành) cho biết: "Một ngày trước vụ sạt lở nêu trên thì khúc sông này đã xảy ra sạt lở một đoạn dài 50 m. Hiện tượng sụt lún, sạt lở tại đây xuất hiện từ từ. Sau khi làm đường thì một số đoạn xuất hiện răn nứt nhỏ, sau đó rộng ra rồi đất sụp xuống, có đoạn sụp 3-4 tầng đất".
Cũng là người sống quanh khu vực này, bà Nguyễn Thị Bé Hai cho hay khi chưa xảy ra tình trạng sạt lở, người dân có thể dễ dàng vận chuyển nông sản đi bán. Còn bây giờ, đường sụp lở, xe cộ đi lại khó khăn nên người dân phải chia nhỏ và vận chuyển hàng hóa ra đường lớn giao cho thương lái, khiến chi phí đội lên nhiều.
"Sạt lở là điều không ai muốn. Do đây là tuyến đường chính nên điều mong mỏi của người dân bây giờ là nhà nước sớm nghiên cứu làm lại bờ kè để bà con yên tâm. Nếu sạt lở lớn dần thì sẽ không còn con đường nào để vận chuyển hàng Tết ra chợ" - bà Hai nói.
Liên tục mấy ngày qua, bà Nguyễn Thị Tách (ngụ khu 1, thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) phải sang nhà họ hàng ở nhờ vì nhà bà đang nằm sát bên miệng "hà bá". Tại đây, một vụ sạt lở vừa xảy ra ngay khu vực chuẩn bị làm bờ kè đoạn sông Trà Ôn ở khu vực 1. Đoạn sạt lở dài 70 m, ăn sâu vào trong khoảng 10 m, sát nhà nhiều hộ dân. "Tôi đang ở trong nhà thì nghe nhiều người hô hoán, chạy ra xem thì thấy đất sạt xuống sông, "ngoạm" vào sát hiên nhà. Như vầy làm sao chúng tôi dám ở nhà chuẩn bị đón Tết" - bà Tách lo ngại.
Theo ông Bông Văn Bé - Trưởng khu 1, xã Tân Nhuận Đông - khu vực sạt lở ảnh hưởng đến 9 hộ dân, may mắn là không có thiệt hại về người. Sau vụ việc, chính quyền địa phương đã hỗ trợ di dời tài sản của người dân ra khỏi khu vực sạt lở.
Không chỉ sạt lở khắp nơi khiến nhiều người bất an mà hạn hán và xâm nhập mặn cũng đang làm "đau đầu" ngành chức năng và người dân trong những ngày cận Tết. Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 và tháng 3-2021. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Vĩnh Long thông báo độ mặn cao nhất tại các trạm đo xuất hiện vào ngày 10-1 ở mức nhỏ hơn 1,5‰. Trước đó, độ mặn đo được tại cống Nàng Âm, xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm vào ngày 1-1 là 3,3‰, sau đó giảm dần.
Ông Nguyễn Ngọc Nhân (ngụ xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho biết năm rồi, ông vừa đón Tết vừa "canh" độ mặn. Ông Nhân trồng 8 công chôm chôm Java xuất khẩu. Thời điểm cận Tết năm 2020, ông nghĩ nước mặn không vào tới nên không chủ động trữ nước ngọt. Khi bị nước mặn xâm nhập, vườn chôm chôm của ông giảm hẳn năng suất.
"Nước mặn hiện chưa vào tới xã nhưng từ đây tới Tết, tôi phải theo dõi thông tin trên báo đài và thường xuyên đo độ mặn để chủ động phòng chống. Theo dự báo, năm nay hạn, mặn cũng rất gay gắt. Nếu mặn vào tới huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - cách chỗ tôi khoảng 14 km - chỉ 1‰ thôi, tôi cũng sẽ trữ nước ngọt tưới cho vườn chôm chôm. Loài cây này chỉ cần độ mặn 0,2-0,3‰ cũng ảnh hưởng đến năng suất nếu để lâu ngày" - ông Nhân giải thích.
Tỉnh Kiên Giang xây đập tạm trên tuyến kênh Nhánh (TP Rạch Giá) để ngăn mặn xâm nhậpẢnh: Thốt Nốt
Bờ sông tại thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long bị sạt lở khiến 9 hộ dân phải di dờiẢnh: Ca Linh
Chủ động phòng chống
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), dòng chảy mùa khô năm 2020-2021 từ thượng lưu sông Mê Kông về ĐBSCL có khả năng ở mức rất thấp nên tình hình xâm nhập mặn năm nay là nghiêm trọng. Cụ thể, từ tháng 3 đến tháng 5-2021, hầu hết các khu vực sẽ bị ảnh hưởng; nhiều khả năng nước mặn sẽ tấn công sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng và kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đáng lo ngại là vụ lúa đông xuân 2020 - 2021 sẽ bị ảnh hưởng nặng do thiếu nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất.
Theo ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, trong tháng 1 và một phần tháng 2-2021, nguồn nước ngọt vẫn còn thuận lợi để phục vụ người dân sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Tuy nhiên, ngành chức năng và người dân vùng ĐBSCL cần tranh thủ tích trữ nước ngọt, đồng thời thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo nguồn nước để có thông tin kịp thời về mặn xâm nhập; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án vận hành các cửa cống và giải pháp ứng phó chống hạn, mặn hiệu quả càng sớm càng tốt.
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, cho biết nắng hạn trong những ngày qua đã làm cho mặn xâm nhập sâu các tuyến sông, kênh lớn từ 26 đến 41 km với độ mặn dao động trong khoảng 1 g/lít đến 4 g/lít. Trong đó, hầu các tuyến kênh trên địa bàn xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao đã bị xâm nhập mặn với độ mặn 4 g/lít. Độ mặn kênh xáng Chắc Băng đi qua địa bàn các huyện U Minh Thượng và Vĩnh Thuận đang dao động từ 3,5 g/lít đến 6,5 g/lít. Các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng mặn như An Minh, An Biên, Kiên Lương và Gò Quao đã triển khai gia cố hoặc đắp mới 44 đập ngăn mặn để bảo vệ lúa. Riêng huyện U Minh Thượng đang có nguy cơ thiếu nước ngọt nghiêm trọng để tưới tiêu cho hơn 13.000 ha rừng và đất sản xuất nông nghiệp.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Kiên Giang đã tạm ứng 25 tỉ đồng cho các đơn vị chức năng thực hiện những giải pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay. Riêng U Minh Thượng, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu UBND huyện cần phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai nhanh việc lắp đặt các máy bơm để trữ nước ngọt, theo dõi sự sụt giảm mực nước trên tuyến kênh đê bao ngoài Vườn Quốc gia U Minh Thượng và các tuyến kênh nội đồng để xử lý kịp thời tình huống sạt lở có thể xảy ra.
Trước diễn biến sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng, trong những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đầu tư xây dựng nhiều công trình kè phòng chống sạt lở bờ sông nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, cơ sở hạ tầng. Trong đó, một số công trình đã phát huy hiệu quả cao, như: Kè chống sạt lở Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự; kè chống xói lở bảo vệ thị xã Hồng Ngự; kè chợ Bình Thành, huyện Thanh Bình; kè chống xói lở khu vực phường 11, TP Cao Lãnh; kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực thị xã Sa Đéc (giai đoạn 3); dự án phòng chống sạt lở bờ sông để bảo vệ dân cư tại các khu vực xung yếu trên địa bàn tỉnh…
Ghe đánh cá, tàu cao tốc uy hiếp bờ kè
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, thời gian gần đây, một số ghe cào cá đã khai thác trong các khu vực kè bảo vệ bờ sông Tiền, làm bong tróc nắp đậy thảm đá, dễ gây mất an toàn công trình. Bên cạnh đó, nhiều phương tiện giao thông thủy chạy với tốc độ lớn, neo đậu tại khu vực hành lang bảo vệ chân kè dẫn đến một số công trình bị hư hỏng cục bộ.
Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã bước đầu vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, do chưa có hệ thống mốc giới lòng sông, khó xác định được phương tiện vi phạm nên chưa thể xử lý triệt để các hoạt động lấn chiếm hành lang bảo vệ kè sông Tiền.
Bình luận (0)