Rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng thực sự đang là vấn đề "nóng" tại nhiều địa phương trên cả nước hiện nay. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện nhiều biện pháp thiết thực nhằm hạn chế và tiến tới loại bỏ rác thải nhựa.
Du khách nước ngoài tham gia dọn rác thải nhựa trên sông Hoài, TP Hội An
Thay đổi nhận thức
Vào ngày 3-5 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định về kế hoạch thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" trên địa bàn để tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Để hiện thực hóa quyết định của mình, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng việc phải làm ngay trước mắt là thay thế ngay chai nhựa đựng nước bằng bình thủy tinh tại tất cả cuộc họp, hội nghị, hội thảo do tỉnh tổ chức... Gần 2 tháng nay, hầu như chai nhựa không còn xuất hiện trên bàn đại biểu tại các cuộc họp ở tỉnh Quảng Nam.
Tại cuộc họp HĐND diễn ra từ ngày 10 đến 12-7 vừa qua, hình ảnh bình thủy tinh đặt trước bàn mỗi đại biểu có sức lan truyền tốt cho phong trào chống rác thải nhựa của tỉnh này. Bình thủy tinh được vệ sinh sạch sẽ để đựng nước sử dụng nhiều lần, thay thế đồ dùng bằng nhựa sử dụng một lần.
Ông Văn Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết việc thay thế chai nhựa bằng bình thủy tinh nhằm hưởng ứng phát động của Thủ tướng Chính phủ về việc hạn chế rác thải nhựa, qua đó thể hiện hành động cụ thể, đi đầu của UBND tỉnh trong phong trào "Chống rác thải nhựa". "Thời gian gần đây, trong các hoạt động, sự kiện, cuộc họp tổ chức tại UBND tỉnh, việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần cũng dần được hạn chế và loại bỏ. Qua gần 2 tháng triển khai, phong trào không chỉ làm thay đổi nhận thức của các cán bộ, công chức, viên chức mà còn có thể tiết kiệm kinh phí so với việc sử dụng chai nhựa như trước đây" - ông Tuấn đánh giá.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, để hạn chế rác thải nhựa, sở đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam ban hành kế hoạch phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 theo hướng nhân rộng mô hình "3T" (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế). Sở Tài nguyên và Môi trường xác định phát động phong trào "Chống rác thải nhựa" theo kiểu "mưa dầm thấm lâu". Trong đó, thông qua các hình thức tuyên truyền, cổ động trực quan vận động mọi người thay đổi thói quen trong sinh hoạt đời sống hằng ngày; đồng thời khuyến khích các sáng kiến, mô hình thí điểm về thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa phù hợp...
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hội An (bìa phải), cùng các tình nguyện viên dọn rác làm sạch môi trường
Điểm sáng Hội An
Tại Quảng Nam, TP Hội An là địa phương đi đầu và là điểm sáng trong các hoạt động hạn chế rác thải nhựa. Trước khi tỉnh Quảng Nam triển khai đồng loạt kế hoạch trên, từ khoảng 1 năm trở lại đây, TP Hội An đã phát động phong trào "Công sở không rác thải nhựa" với việc dùng bình thủy tinh đựng nước thay chai nhựa.
TP Hội An cũng đang triển khai thực hiện chương trình "Giảm thiểu sử dụng và giảm phát thải túi ni-lông", "Nói không với túi ni-lông" thông qua việc kêu gọi người nội trợ mang giỏ xách thân thiện với môi trường khi đi chợ để hạn chế sử dụng túi ni-lông; tổ chức ký cam kết đối với các tiểu thương về việc không cấp phát miễn phí túi ni-lông cho khách hàng, thay vào đó sử dụng túi thân thiện với môi trường...
Vào ngày 5-7 vừa qua, UBND TP Hội An cũng đã tổ chức lễ phát động ra quân tổng vệ sinh môi trường, đồng thời thành lập quỹ "Vì Hội An sạch hơn" để các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng chung tay, đồng hành tham gia. Ngoài ra, từ thành công của phong trào "Nói không với túi ni-lông" ở Cù Lao Chàm, TP Hội An đang tiếp tục phát động phong trào "Nói không với ống hút nhựa, hạn chế rác thải nhựa" tại đây.
Với hàng loạt hành động, giải pháp được đưa ra, bước đầu TP Hội An đã thu được nhiều thành quả đáng mừng. Trong đó, quan trọng nhất là nhận thức của người dân và du khách đã có những thay đổi rõ rệt. Giờ đây, du khách đến Hội An không khó để bắt gặp những cơ sở kinh doanh, hàng quán treo bảng "Nói không với túi ni-lông" như quán chay Đạm, Vegan Beets Hội An, Cocobana Cafe...
Cũng tại thành phố vừa được Tạp chí du lịch nổi tiếng Travel and Leisure xếp hạng là "Thành phố tuyệt vời nhất thế giới" này đang ngày càng xuất hiện rất nhiều cá nhân, đơn vị sản xuất các sản phẩm từ vật liệu tự nhiên thay thế cho đồ nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường. Nơi đây cũng có nhiều cá nhân, đơn vị thường xuyên tổ chức các buổi thu gom rác thải để làm sạch Hội An...
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hội An, cho biết du lịch Hội An đang phát triển rất nhanh, với 6 tháng đầu năm 2019 đón gần 3 triệu lượt khách. Tuy nhiên, đằng sau những con số tăng trưởng ấn tượng, Hội An đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường, gia tăng rác thải nhựa. Nếu năm 2017, toàn TP phát sinh 29.000 tấn rác thải thì năm 2018 tăng lên 33.000 tấn (tương đương 100 tấn/ngày), hầu hết là rác thải từ hoạt động du lịch. "Với những thách thức lớn về môi trường hiện nay, TP nhận thấy cần đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ môi trường để góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Hội An - TP sinh thái - văn hóa - du lịch và nâng cao chất lượng cuộc sống" - ông Sơn nhấn mạnh.
Co.opmart Tam Kỳ ngừng bán ống hút nhựa
Hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa" được triển khai trong toàn hệ thống của Liên minh HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), thời gian qua, Co.opmart Tam Kỳ (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã ngừng bán ống hút làm bằng vật liệu nhựa và sử dụng lá chuối xanh thân thiện với môi trường để gói rau củ quả thay thế túi ni-lông. Co.opmart Tam Kỳ còn tổ chức "Ngày không túi ni-lông" để góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.
Đà Nẵng: Không còn chai nhựa trong phòng họp
Tại Đà Nẵng, phong trào "Chống rác thải nhựa" được UBND TP phát động từ cuối tháng 12-2018. Ngay sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP ra văn bản kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy. Tiếp đến, ngày 23-4-2019, UBND TP Đà Nẵng ban hành văn bản đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp, hội doanh nhân trẻ, hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, hệ thống siêu thị, nhà hàng ăn uống, dịch vụ trên địa bàn... tích cực hưởng ứng, triển khai các hoạt động cụ thể giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy nhằm góp phần xây dựng môi trường trong lành, phát triển bền vững.
Kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng diễn ra ngày 9, 10 và 11-7 sử dụng bình nước thủy tinh thay cho chai nhựa. Ảnh: BÍCH VÂN
UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu Ban Quản lý tòa nhà Trung tâm hành chính TP sử dụng bình kim loại, thủy tinh... để thay thế các loại chai nhựa sử dụng một lần phục vụ cho các cuộc họp, hội nghị, hội thảo... tổ chức tại tòa nhà này. Kết quả từ tháng 4-2019, tất cả cuộc họp của UBND TP Đà Nẵng và các sở, ngành đều sử dụng chai thủy tinh thay thế chai nhựa. Việc làm này nhận được sự đồng thuận lớn từ đội ngũ công chức, viên chức và người dân TP Đà Nẵng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng, cho biết hội là một trong những đơn vị ủng hộ mạnh mẽ chủ trương của UBND TP Đà Nẵng. Hội đã phát động phong trào thi đua năm 2019 với chủ đề "An toàn cho phụ nữ và trẻ em" và "Chống rác thải nhựa". "Trên bàn làm việc cũng như tiếp khách của các cơ quan thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ TP không còn hình ảnh chai đựng nước bằng nhựa. Thay vào đó là chai inox hay thủy tinh đựng nước đun sôi để nguội. Sử dụng nước đun sôi đựng trong chai thủy tinh thay bằng nước đóng chai nhựa, vừa tiết kiệm vừa hạn chế ô nhiễm môi trường" - bà Hà nói.
B.Vân
Bình luận (0)