Lan thanh tuyền có tên khoa học là Grammatophyllum speciosum Blume, còn được gọi với các tên khác nhau như lan thịnh vượng, lan mía, lan hổ. Đây là loài lan đang được đông đảo người trồng lan quan tâm, ưa thích vì phát triển nhanh, ra hoa đồng loạt, lên đến hàng trăm bông, mỗi bông to 12-20 cm, lâu tàn, có mùi thơm nhẹ. Đây được xem là loài lan lớn nhất thế giới, có giá bán cao trên thị trường.
Lan thanh tuyền Ảnh: TRẦN NGỌC
Nỗ lực bảo tồn
Hiện nay, lan thanh tuyền ít được tìm thấy trong tự nhiên, do bị khai thác triệt để vì mục đích thương mại. Những năm gần đây, các nước như Singapore, Indonesia, Thái Lan… đã nỗ lực tìm cách bảo tồn, nhân giống và phát triển loài lan này.
Lan thanh tuyền được nhân giống nhằm sử dụng dịch chiết từ giả hành lan để làm các chế phẩm điều trị bệnh, hiện được nghiên cứu rộng rãi. Lan thanh tuyền có thành phần gastrodin, một loại polyphenol có chức năng loại bỏ chất ôxy hóa có hại cho cơ thể, bảo vệ thành mạch máu. Đây cũng là chất có thể tăng cường trí nhớ, chống co giật, chống chết tế bào, chống bệnh Alzheimer và Parkinson, cũng như bảo vệ, chống lại bệnh loãng xương.
Lan thanh tuyền có tiềm năng lớn trong việc nghiên cứu và tận dụng các hoạt chất của cây cho các ứng dụng da liễu và điều trị bệnh. Ngoài ra, cây lan này còn chứa các thành phần: anion DPPH, ABTS và superoxide, có đặc tính tăng cường chữa lành vết thương, có lợi cho việc phát triển các hợp chất hoạt tính mới hơn để chữa lành vết thương trên da.
Theo y học cổ truyền Thái Lan, rễ của lan thanh tuyền được sử dụng làm thuốc điều trị nọc độc của rết và bọ cạp. Dịch chiết từ giả hành của lan thanh tuyền có tác dụng như một chất tăng cường quá trình chữa lành vết thương trên da.
Ở Việt Nam, lan thanh tuyền được tìm thấy rải rác trên các cành cây ở khu rừng ẩm Vườn Quốc gia Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Cây sinh trưởng thích hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới. Trong tự nhiên, lan thanh tuyền được nhân giống bằng cách tách bụi và tách các giả hành. Hệ số nhân giống theo phương pháp truyền thống này là rất thấp.
Việc nhân giống thành công loài lan hoang dại này sẽ góp phần tạo tiền đề cho các nghiên cứu phong phú hơn.
Nuôi cấy mô - nhân giống khả thi
Lan thanh tuyền chưa được phổ biến ở thị trường Việt Nam, lại đang rơi vào tình trạng tuyệt chủng do lan trong tự nhiên bị khai thác quá mức. Vì vậy, việc nhân giống nhằm bảo tồn, phát triển loại cây này cần được đẩy mạnh, nhằm cung cấp cây giống với số lượng lớn và ổn định cho thị trường, đặc biệt là khai thác khía cạnh dược liệu về khả năng chống lại bệnh Alzheimer, Parkinson ở người già.
Phương pháp vi nhân giống là một kỹ thuật khả thi, cho phép lưu trữ, chọn và duy trì nguồn giống trong điều kiện vô trùng; sau đó đưa chúng trở lại môi trường sống tự nhiên. Phương pháp nuôi cấy mô có ưu điểm do không giới hạn về môi trường địa lý, thời tiết; phẩm chất cây mẹ tốt được di truyền cho cây con. Phương pháp này có thể hình thành một lượng lớn cây con có chất lượng tốt trong một thời gian ngắn, đồng đều về chất lượng cũng như số lượng.
Bên cạnh đó, với việc nhân giống sử dụng phương pháp này, có thể ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống lan thanh tuyền chất lượng và năng suất cao. Từ đó, từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con lan thanh tuyền của khu vực; phát triển khoa học - công nghệ.
Với nhu cầu giải trí bằng cây cảnh ngày càng tăng, phong trào chơi lan và sưu tầm các loài lan có vẻ đẹp độc đáo, lạ lẫm đang trở thành xu hướng ở Việt Nam. Nhu cầu của thị trường về hoa lan trên thế giới cũng rất lớn. Sự đa dạng về màu sắc và chủng loại hoa lan luôn được ưu tiên trong chiến lược phát triển sản xuất và kinh doanh ở nhiều nước.
Giá bán lan thanh tuyền ở Việt Nam hiện khoảng 150.000-300.000 đồng/ cây giống, tùy thuộc vào màu hoa hoặc độ hiếm của cây trên thị trường.
Bình luận (0)