xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngăn chặn nguy cơ "sống chung với rác"

Bạch Huy Thanh

Hàng ngàn tấn rác phát sinh mỗi ngày nhưng TP Hà Nội hiện chỉ có 2 khu xử lý hoạt động, nguy cơ "vỡ trận" rác thải luôn hiện hữu

Hiện nay, khối lượng rác thải phát sinh trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 7.000 tấn/ngày. Lượng rác này được đưa về xử lý tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn) và Khu Xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây).

Nhiều bất cập, hạn chế

Cứ mỗi lần người dân chặn xe chở rác vào khu Nam Sơn là cả ngàn tấn rác thải ra mỗi ngày ở các quận nội thành Hà Nội lại bị ùn ứ. Tình trạng nội đô "vỡ trận" vì rác diễn ra nhiều lần từ năm 2019 đến nay.

Theo ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Hà Nội, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần giải quyết. Việc điều chỉnh quy hoạch chất thải rắn tích hợp trong quy hoạch chung thủ đô còn chậm, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ với phương thức thu gom vốn cần phù hợp đổi mới công nghệ…

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), thừa nhận dù cố gắng nhưng việc vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác của thành phố vẫn còn những tồn tại, bất cập. Theo đó, nước rỉ rác chảy ra đường từ hoạt động thu gom, tập kết, vận chuyển gây ảnh hưởng vệ sinh môi trường; các xe thu gom rác đậu hàng dài gây ách tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị. Xe thu gom rác chạy ban ngày cũng gây ách tắc giao thông. Hạ tầng cho việc thu gom, vận chuyển rác thì thiếu; chưa rõ cơ chế đầu tư, vận hành. Việc xử phạt hành chính chưa thực hiện triệt để, dẫn đến không có tính răn đe...

Ngăn chặn nguy cơ sống chung với rác - Ảnh 1.

Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn của thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải rắn nhưng hiện mới có 2 khu hoạt động Ảnh: HỮU HƯNG

Ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho hay trong khoảng 7.000 tấn rác thải ra mỗi ngày, Nhà máy Đốt rác phát điện Thiên Ý (đã hoàn thành cơ bản) ở Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn tiếp nhận xử lý khoảng 3.000 tấn, số còn lại được chôn lấp.

Theo ông Phạm Quang Thanh - đại biểu HĐND huyện Sóc Sơn, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội - thành phố quy hoạch rất nhiều khu xử lý rác thải rắn nhưng việc triển khai rất chậm, gần như "đứng yên một chỗ". Huyện Sóc Sơn đang gánh chịu hơn 70% rác thải rắn của Hà Nội. Người dân luôn mong mỏi việc giảm tải cho khu Nam Sơn - bãi rác lớn nhất Hà Nội - hơn 20 năm qua.

Ông Thanh cho rằng với một bãi rác quá tải thì chi phí xử lý, từ chôn lấp đến khắc phục môi trường, tốn kém hơn rất nhiều so với bãi mới. "Chuyện môi trường ở đây còn là nguy cơ đối với người dân thành phố. Qua mấy đợt người dân chặn xe ở bãi rác Nam Sơn, chúng tôi đã tính toán đến ngày thứ 6, nếu bãi này không mở lại thì rác nhà ai để nguyên nhà đấy, tức là vỉa hè không còn chỗ chứa. Đến ngày thứ 10 thì rác chật cứng trong nhà, việc sống chung với rác là khó tránh. Đây là chuyện thật, là nguy cơ cực kỳ hiện hữu với thành phố" - ông Thanh lo ngại.

Xây dựng thêm nhiều nhà máy

Để ngăn chặn nguy cơ "sống chung với rác", ông Nguyễn Trọng Đông cho biết dự kiến vào đầu năm 2014, Nhà máy Điện rác Seraphin (thị xã Sơn Tây) sẽ đi vào hoạt động với công suất khoảng 2.000 tấn/ngày.

Với Nhà máy Xử lý rác thải Châu Can (huyện Phú Xuyên), UBND TP Hà Nội đã có quyết định dừng hoạt động vào tháng 1-2023. UBND thành phố đã giao các đơn vị liên quan cuối năm nay đề xuất dự án nhà máy điện rác thay thế để sớm triển khai; đề xuất hình thức đầu tư, nguồn vốn, giải pháp công nghệ và địa điểm, bảo đảm công suất ít nhất 1.000 tấn/ngày. Nhà máy này được kỳ vọng góp phần đáp ứng nhu cầu xử lý rác của Hà Nội, tránh tình trạng chôn lấp ở các khu vực lân cận.

Với dự án Nhà máy Xử lý rác thải Núi Thoong (huyện Chương Mỹ), công trình dự kiến xây dựng trên diện tích 10 ha, công suất 450 tấn/ngày. Công ty Môi trường Xuân Mai - chủ đầu tư dự án - đã đề xuất triển khai giai đoạn 1 với 4 mô-đun, công suất 450 tấn/ngày vào quý III/2023. Công ty cũng đề nghị nâng công suất lên 2.000 tấn/ngày trong các giai đoạn tiếp theo. UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành xem xét để sớm triển khai dự án này.

Theo ông Nguyễn Huy Cường, Sở TN-MT TP Hà Nội còn phối hợp với một số đơn vị xây dựng phương án thí điểm "kiểu mẫu về môi trường, triển khai việc phân loại rác tại nguồn đồng bộ với hoạt động duy trì vệ sinh môi trường". Trong đó, đề xuất thí điểm mỗi địa bàn quận, huyện chọn một phường, xã có điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội và đặc điểm về dân cư khác nhau để thực hiện phương án này.

Ngăn chặn nguy cơ sống chung với rác - Ảnh 2.

Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn của thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải rắn nhưng hiện mới có 2 khu hoạt động Ảnh: HỮU HƯNG

Nội dung phương án là tập trung thí điểm phân loại rác theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (trong khi chờ thông tư hướng dẫn chi tiết), phù hợp với điều kiện địa phương. Việc thu gom, vận chuyển rác kết hợp với làm sạch đường phố; định hình phương án xử lý chất thải đầu cuối khi phân loại; có giải pháp khắc phục tồn tại trong việc duy trì vệ sinh môi trường.

Trong thời gian thực hiện thí điểm, Sở TN-MT TP Hà Nội sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, thu thập số liệu để xây dựng quy trình công nghệ, định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá. Sau đó, UBND TP Hà Nội sẽ ban hành, làm căn cứ để 30 quận, huyện đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ. 

Sẽ tăng mức phí thu gom

Vấn đề thu phí dịch vụ cũng khiến nhiều đơn vị băn khoăn. Theo Tổng Giám đốc Urenco Nguyễn Hữu Tiến, mức thu áp dụng đang cào bằng và rất thấp: Phí vệ sinh môi trường là 6.000 đồng/người/tháng ở quận, phường và 3.000 đồng/người/tháng ở huyện, xã, thị trấn. Đến nay, kinh phí chi trả cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải chủ yếu là từ nhà nước - không tuân thủ nguyên tắc của Luật Bảo vệ môi trường là "người gây ô nhiễm phải trả tiền" cũng như tạo gánh nặng cho ngân sách công.

Từ bất cập đó, Urenco đề nghị TP Hà Nội xây dựng và ban hành lại mức phí thu theo khối lượng. Ông Nguyễn Huy Cường cho biết Sở TN-MT TP Hà Nội đang nghiên cứu, thí điểm mô hình thu phí hộ gia đình qua lượng rác thải.

Ông Đàm Văn Huân, Trưởng Ban Đô thị - HĐND TP Hà Nội, thông tin theo quy định, việc thu phí vệ sinh môi trường tính theo khối lượng phải thực hiện chậm nhất trước ngày 31-12-2024.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo