Theo Bộ Công Thương, hiện nay, lượng rác thải tại Việt Nam là khoảng 50.000 tấn/ngày, trong đó tại các đô thị là khoảng 35.000 tấn/ngày, còn lại là rác thải ở vùng nông thôn nhưng trên 80% được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp. Với lượng rác thải rắn phát sinh hằng ngày lớn như vậy, nếu không có nhà máy xử lý hiện đại thì trong tương lai không xa sẽ không còn đất để chôn lấp, môi trường bị đe dọa.
Khởi công rồi... chờ
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, mỗi ngày TP thải ra 9.500 tấn rác sinh hoạt (chưa kể rác công nghiệp), mỗi năm lượng rác này tăng thêm 10%. Trong khi đó, diện tích đất để thực hiện chôn lấp rác dần thu hẹp. Việc xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp đã lạc hậu, không phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, TP đang thay dần công nghệ xử lý rác từ chôn lấp sang đốt phát điện. TP cũng từng đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2020 giảm tỉ lệ xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp còn 50% và đến năm 2025 còn 20%.
Rác tập kết thành "núi" tại Khu Liên hợp Xử lý rác Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP HCM Ảnh: THU HỒNG
Rác thải tại TP Đà Nẵng hiện chủ yếu được xử lý bằng cách chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn .Ảnh: BÍCH VÂN
Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Sóc Sơn (TP Hà Nội)Ảnh: HUY THANH
Dây chuyền phân loại rác tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Bình Dương .Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Chính quyền TP đã chấp thuận cho một số công ty đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện cuối năm 2019, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2020: nhà máy đốt rác phát điện do Công ty CP Tâm Sinh Nghĩa đầu tư với công suất 2.000 tấn rác/ngày, đã được khởi công tại huyện Củ Chi, TP HCM; nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Vietstar, công suất 2.000 tấn rác/ngày, cũng được khởi công cùng thời điểm.
Thế nhưng, đến nay, cả 2 nhà máy đốt rác phát điện vẫn chưa được xây dựng, ngoại trừ Công ty Vietstar đã đưa vào vận hành giai đoạn 1 nhà máy xử lý rác tích hợp công suất 2.000 tấn rác/ngày (đang sản xuất được 7.500 tấn phân hữu cơ và 300 tấn nhựa PE/tháng). Theo kế hoạch, cả 2 nhà máy dự kiến vận hành giai đoạn 1 vào cuối năm 2020, sau đó nhà đầu tư sẽ triển khai giai đoạn 2, nâng công suất xử lý lên 4.000 - 10.000 tấn rác/ngày.
Giải thích về dự án chậm tiến độ, ông Ngô Như Hùng Việt - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietstar - cho biết khó khăn lớn nhất khiến việc xây dựng nhà máy đốt rác phát điện chậm trễ so với kế hoạch chủ yếu do thủ tục, pháp lý liên quan. Cụ thể là 3 năm nay, nhà đầu tư vẫn bổ sung thủ tục chờ cấp giấy phép đầu tư, do chưa được cấp giấy phép đầu tư nên chưa được cấp phép xây dựng. Ngoài ra, vẫn phải chờ quy hoạch điện 1/500, giấy phép đấu nối điện… của các bộ, ngành liên quan nữa.
Dự án của Công ty Tâm Sinh Nghĩa cũng gặp khó khăn tương tự.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp thực hiện, hỗ trợ thủ tục pháp lý tốt nhất cho các nhà máy.
Kỳ vọng những nhà máy điện rác
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác cũng như chống quá tải cho các ô chôn lấp, chính quyền TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó giải pháp căn cơ, lâu dài là đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác. Nhiều dự án nhà máy rác quy mô lớn, đi đầu về công nghệ đang được thực hiện.
Một trong số đó là dự án Nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn của Tập đoàn Thiên Ý nằm trong Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Sóc Sơn, được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương từ năm 2017, tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỉ đồng. Ngày 14-6, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết nhà máy này vừa cho nhận rác để bắt đầu chu trình vận hành thử nghiệm. Đây là nhà máy xử lý rác lớn nhất Việt Nam tính đến nay. Khi đi vào hoạt động, dự kiến nhà máy này sẽ xử lý hơn 2/3 số rác của toàn TP Hà Nội. Dự án đang bảo đảm tiến độ theo như cam kết với UBND TP Hà Nội.
Ngoài ra, hiện Hà Nội có 3 dự án đốt rác phát điện khác cũng trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư: nhà máy xử lý rác công suất 1.000 tấn/ngày của liên danh T&T và Hitachizonshen, nhà máy xử lý rác của Công ty TNHH Indovin Power công suất 500 tấn/ngày, nhà máy điện rác Seraphin công suất 1.500 tấn/ngày của Công ty CP Công nghệ môi trường xanh Seraphin. Các nhà máy này sẽ xây dựng tại khu vực thị xã Sơn Tây và Ba Vì.
Giải bài toán rác về lâu dài
Lượng rác thải hằng ngày không lớn như Hà Nội, TP HCM nhưng Đà Nẵng quan tâm đến bài toán xử lý rác về lâu dài ngay từ lúc này.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, hiện mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn được vận chuyển đến Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Khánh Sơn để xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh là khoảng 1.100 tấn. Dự báo đến năm 2025, lượng rác này sẽ phát sinh trung bình mỗi ngày khoảng 1.600 - 1.650 tấn trở lên.
TP Đà Nẵng đang chuẩn bị triển khai dự án nhà máy xử lý chất thải rắn phát điện với công suất 650 tấn/ngày và nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt có công suất 1.000 tấn rác/ngày (sử dụng công nghệ gồm cả phân loại, đốt và thu khí biogas phát điện) nhằm giải bài toán rác sinh hoạt đô thị lâu dài của TP.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, việc triển khai những dự án này góp phần đạt mục tiêu xây dựng "Đà Nẵng - thành phố môi trường" giai đoạn 2021-2025, hướng đến đô thị sinh thái: áp dụng công nghệ xử lý chất thải tổ hợp, giảm diện tích chôn lấp, tạo ra các sản phẩm có ích.
Bình Dương biến rác thành tài nguyên
Ước tính hiện mỗi ngày toàn tỉnh Bình Dương thải ra khoảng hơn 2.200 tấn rác sinh hoạt (90% là rác đô thị) và khoảng hơn 300 tấn rác công nghiệp (từ các khu công nghiệp). Thấy đây là dự án tiềm năng, Biwase đã mạnh dạn đầu tư công nghệ xử lý. Theo đó, rác thải sinh hoạt được chuyển về nhà máy để phân loại. Đối với rác có thành phần hữu cơ, dễ phân hủy, được chuyển về hầm ủ để bổ sung thêm men vi sinh, cấp dưỡng khí giúp quá trình lên men, chuyển hóa, phân hủy rác được nhanh và bổ sung hàm lượng hữu cơ, dinh dưỡng, khoáng chất phù hợp để thành phân hữu cơ phục vụ nông nghiệp.
Ông Ngô Chí Thắng, Phó Giám đốc chi nhánh Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Bình Dương, cho biết hiện khu liên hợp có diện tích 100 ha, thực hiện xử lý các loại chất thải gồm rác thải sinh hoạt, rác y tế, rác công nghiệp. Riêng rác thải sinh hoạt, nhà máy này đang đạt công suất 2.200 tấn/ngày, trong đó 1.680 tấn đưa vào sản xuất phân hữu cơ, số còn lại đang được ủ để lấy khí biogas làm điện. Riêng rác thải công nghiệp, hiện nhà máy chủ yếu thu hồi và tái sử dụng, còn lại xử lý tại chỗ. Đơn vị đã đầu tư 8 lò đốt với công suất 400 tấn/ngày đêm, tất cả đều có công nghệ xử lý khí trước khi thải ra môi trường. Sau khi xử lý, xỉ tro được dùng để chế biến thành nhiều sản phẩm phục vụ xây dựng như gạch, bê-tông...
Bình luận (0)