Hoa mai vàng là biểu tượng truyền thống của sự may mắn, tốt đẹp, của sự khởi đầu hoàn hảo và thịnh vượng cho một năm mới. Hoa mai còn có ý nghĩa xua đuổi điều xấu, mang đến điều tốt đẹp cho gia chủ trong một năm. Ngoài vẻ đẹp mỹ miều và những ý nghĩa nêu trên, mai vàng còn có nhiều công dụng khác. Đây là điểm đặc biệt để người trồng mai có thể phát triển nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho cây mai vàng.
Giá trị dược liệu ít người biết
Ngoài sắc vàng tươi, nhụy hoa ngát hương, cây mai còn chứa tinh dầu: cineole, borneol, linalool, benzyl alcohol, farnesol, terpineol, indol... và một số chất khác: meratin, calycanthine, caroten…, có tác dụng thúc đẩy bài tiết dịch mật và ức chế một số loại vi khuẩn.
Theo dược học cổ truyền, hoa mai vị ngọt hơi đắng, tính ấm, không độc nên được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc chữa bệnh. Lá mai non có thể được dùng làm rau xanh. Vỏ cây mai được sử dụng ngâm rượu và có tác dụng như một loại thuốc bổ, lợi cho tiêu hóa, kích thích cảm giác ngon miệng. Rễ cây mai cũng được sử dụng làm thuốc như hoa mai, nhất là dùng để xổ sán lãi, trị hỗn loạn bạch huyết.
Thu hoạch hoa mai để chế biến sản phẩm Hương mai tửu của Công ty TNHH Mai Vàng Tết Ảnh: NGỌC ĐỨC
Ngoài ra, trong ẩm thực cổ truyền, hoa mai còn được cổ nhân sử dụng như một loại nguyên liệu để chế biến những món ăn có công dụng bổ dưỡng cường thân cùng với các loại thực phẩm khác như thịt heo, thịt dê, hải sâm, trứng gà, cá chép, nấm hương...
Như vậy, cây mai không chỉ được sử dụng để làm cảnh, trưng bày vào dịp Tết đến Xuân về mà còn có rất nhiều công dụng trong lĩnh vực ẩm thực và chăm sóc sức khỏe con người.
Tiềm năng phát triển kinh tế
Khu vực huyện Bình Chánh, TP HCM hay các tỉnh lân cận như Long An, Bến Tre… đang phát triển mô hình trồng hoa mai làm kiểng, phục vụ làm thuốc và "rượu mai". Mô hình này đang được nhân lên với quy mô lớn vì lợi ích kinh tế cũng như tiềm năng mà nó mang lại.
Với điều kiện thổ nhưỡng cũng như khí hậu thích hợp, cây mai được trồng ở những khu vực nêu trên phát triển tươi tốt và hoa nở quanh năm. Bởi vậy, người trồng có thể thu hoạch hoa để làm rượu hay làm thuốc như ý muốn.
Theo ông Hoàng Hải, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Bình Chánh, do khí hậu khu vực này nóng, tầng đất thích hợp phát triển mai vàng nên huyện vận động người dân tập trung trồng cây này như loại cây trồng chủ lực. Khi số lượng cây lớn, nhận thấy hoa mai có thể phát triển thêm những sản phẩm khác như rượu, mứt hay bào chế một số loại thuốc, UBND huyện đã lên kế hoạch phát triển, nhân rộng mô hình trồng loại cây này để làm cảnh, bào chế dược liệu và chế biến thực phẩm, nhằm tăng thêm giá trị cho mai vàng.
Bình Chánh coi đây là một mô hình phát triển kinh tế trong toàn huyện và tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ nông dân; gắn kết với các công ty sản xuất sản phẩm từ hoa mai để phân phối trên thị trường trong nước và mục tiêu chính là xuất khẩu. UBND huyện cũng đang hỗ trợ người dân và các công ty hoàn thiện công nghệ sản xuất để nhanh chóng đạt chuẩn sản phẩm, làm chủ thị trường.
Ông Bùi Ngọc Đức, Giám đốc Công ty TNHH Mai Vàng Tết (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh), cho biết trước đây, địa phương này chủ yếu trồng mía. Tuy nhiên, thu nhập từ trồng mía không cao do không cạnh tranh giá được với các vùng nguyên liệu khác nên người dân muốn chuyển đổi cây trồng. Nắm bắt được nhu cầu của người chơi mai - hoa to, hoa nhiều, đậm sắc, giá rẻ… - nông dân Bình Lợi lấy giống mai ghép hoa to, nhiều cánh và cấy giống trên đất nên cây phát triển nhanh, ít tốn công chăm sóc.
Mỗi mùa Tết, công ty của ông Đức xuất bán được hơn 50.000 gốc mai với giá từ 500.000 đồng đến hàng chục triệu đồng mỗi gốc, tùy vào kích thước và độ tuổi. "Sau Tết, thấy mai vẫn tiếp tục ra hoa nên chúng tôi nghĩ đến cách tận dụng làm thuốc và thực phẩm. Sản phẩm mứt hoa mai và Hương mai tửu của công ty đã chào bán ra thị trường và được người tiêu dùng đón nhận. Các công đoạn sản xuất Hương mai tửu cũng rất tinh tế nhằm bảo đảm mùi vị và tính độc đáo của sản phẩm" - ông tiết lộ.
Theo ông Đức, khi sản xuất Hương mai tửu, hoa mai phải được hái từ 6-9 giờ sáng để giữ hương, sau đó rửa sạch, phơi nắng nhẹ và đưa vào bình ngâm với rượu 50 độ. Hương mai tửu được hạ thổ 1-2 năm để rượu ngấm vị và ngon hơn. Quy trình trồng và chăm sóc cây mai để lấy hoa làm rượu cũng phải được chăm chút, theo dõi kỹ càng mới bảo đảm chất lượng và yêu cầu.
Với vẻ đẹp tao nhã và hương thơm thanh khiết, hoa mai không những mang lại đời sống tinh thần đầy ý nghĩa cho người thưởng lãm mà còn là nguồn thực phẩm độc đáo, là dược liệu quý đối với sức khỏe con người. Việc trồng mai có thể giúp phát triển kinh tế địa phương, làm giàu cho các hộ dân. Các công ty cũng nắm bắt được cơ hội, đẩy nhanh phát triển vùng nguyên liệu cũng như chế biến đa dạng sản phẩm để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hiện nay, mai thường được sử dụng làm cây cảnh, cây phong thủy với giá bán khá cao. Trung bình một chậu mai vàng cao khoảng 50 cm và có hoa được bán với giá 300.000-500.000 đồng. Mai cổ thụ lâu năm, cao và có hình dáng đẹp thường được bán với giá từ vài chục triệu đồng đến vài tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau mùa chưng Tết thì giá mai cũng giảm. Để tận dụng những giá trị của cây mai, chúng ta có thể khai thác làm dược liệu hoặc thực phẩm.
Bình luận (0)