Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang là khu vực có nhiều phụ lưu sông Hậu đi qua, cũng là nơi có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất tỉnh. Nhờ vào địa thế có sẵn mà mỗi năm mùa nước nổi về, người dân ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp tận dụng lúa chét vụ hè thu, dẫn dụ cá vào ruộng, tạo thành nơi nuôi trữ cá đồng có diện tích hàng trăm héc-ta.
Tránh nạn tận diệt
Ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp có gần 500 ha thực hiện mô hình nuôi trữ cá đồng. Dù không theo tổ chức nào nhưng vì biết được cái lợi nên nhiều hộ dân đồng loạt làm; diện tích lớn nên hình thành luôn tên gọi mô hình.
Mấy năm trước, khi nạn xiệt cá đồng gây nhức nhối ở vùng nông thôn, nguy cơ nguồn cá đồng bị khai thác vô tội vạ bởi những người thiếu ý thức, bà con nơi đây đã có cách làm hay để bảo vệ nguồn lợi tự nhiên này. Nhà này truyền tai nhà kia đặt hom để dụ cá vào ruộng của mình rồi rào lưới xung quanh, tiến hành nuôi trữ cá đồng trong mùa nước nổi. Giờ đây, mỗi độ lúa hè thu gần chín, người dân làm vài cái hom đặt ở ao hoặc chỗ bơm nước để dụ cá bơi tự nhiên vào ruộng. Đây là cách "phân chia" sản vật trời cho công bằng nhất mà bà con áp dụng, cá thích ruộng nào thì tự bơi vô ruộng nấy. Khi cắt lúa xong là tiến hành sửa sang, đắp đất lên bờ đê cho chắc chắn, nhà nào nhà nấy đua nhau mua lưới chắn quanh bờ ruộng, nhìn từ trên cao, xanh chói mắt cả một vùng đất.
Ông Trần Thanh Phong, người thực hiện mô hình này trên diện tích đất hơn 1 ha, cho biết: "Ai cũng có cá ruộng của riêng mình, muốn ăn thì bắt ăn nên không có đi xiệt lung tung nữa. Nếu không nhờ mô hình này thì bây giờ cá đồng ít có mà ăn, hồi 3 năm trước còn xiệt dữ lắm, cứ tối ra ruộng là thấy đèn của dân xiệt sáng như sao".
Cá trong ruộng có kích thước không đều vì là cá tự nhiên và nhiều loại cá khác nhau, có cả cá rô, cá trê, cá lóc. Thời điểm này, ông Phong trữ gần được 3 tháng, con nào lớn nhất cũng được tầm 4 ngón tay. Diện tích nuôi trữ rộng nhưng đâu đâu cũng thấy được cá đớp, điều này chứng tỏ cá mẹ đẻ cá con, sinh sản rất tốt. Những nơi nước lặng có thể dễ dàng thấy được bầy ròng ròng đang nổi bọt, ông giữ đó cho chúng lớn để nối vòng đời, tiếp tục sinh trưởng trong ruộng.
Tình trạng xiệt cá được khắc phục khoảng 3 năm trở lại đây, từ đó tới nay, nguồn lợi cá đồng xã Hòa Mỹ không còn bị đe dọa, thay vào đó được phục hồi và ngày càng dồi dào. Nhiều hộ dân ở đây chia sẻ nuôi cá đồng tự nhiên không tốn công sức hay tiền bạc gì nhiều, ban đầu chỉ đầu tư tiền lưới với mấy cái hom nhưng xài được lâu năm. Trong lúc nuôi cũng không cần mua thức ăn cho cá, vì ruộng là một hệ sinh thái dồi dào để cá phát triển tự nhiên, có gì ăn nấy, cũng không cần thuốc men chăm sóc, vì cá đồng sức sống tốt hơn cá nuôi nhiều.
Ông Phong dùng lưới lớn để tránh bắt cá nhỏ
Con nước càng lớn thì cá sinh trưởng càng tốt
Cá rô đồng có giá 70.000-80.000 đồng/kg tùy kích cỡ
Tiêu diệt mầm cỏ dại cho lúa
Đã là nông dân thì ai ai cũng biết mỗi năm làm lúa hai vụ sẽ trúng hơn so với ba vụ, bỏ một vụ để đất có thời gian nghỉ ngơi, dung hòa lại các thành phần và dưỡng chất. Đây là khoảng thời gian hợp lý và thuận lợi cho việc nuôi cá theo nước nổi tràn đồng; nuôi cá trong lúc này cũng tạo ra một số lợi ích nhất định cho đất.
Thông thường, mầm cỏ dại sẽ nằm sâu trong lớp đất cứng phía dưới bùn, khi nước cạn, người dân bắt đầu xuống giống, chúng sẽ mọc lên, giành chất dinh dưỡng với lúa. Mầm cỏ khó có thể triệt tiêu hoàn toàn nên bà con nuôi cá như một loại thiên địch, bảo vệ cây trồng khỏi những sinh vật có hại.
Trong quá trình nuôi, cá ăn mầm cỏ lẫn chét lúa mọc trên ruộng. Khi cắt lúa xong, chét mọc rất nhanh, chớp mắt đã xanh đồng. Chỉ sau 2 tháng, nhiều cánh ruộng trơ trọi vì cá ăn hết chét, đây cũng là lúc cá tích cực đi tìm thức ăn bằng cách chui xuống bùn tìm sinh vật gây hại. Thay vì mua thuốc hóa học phun xịt, cách làm này vừa đem lại hiệu quả thiết thực về bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm một phần chi phí "tân trang" đất ruộng cho vụ sau.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, cán bộ Trạm Khuyến nông xã Hòa Mỹ, người dân làm lúa ở đây rất trúng mùa, một công đất cho năng suất gần 1 tấn là chuyện thường, đây là hiệu quả thấy rõ của việc chỉ làm lúa vụ hai. Nhưng bỏ lúa vụ ba không đồng nghĩa người dân sẽ không có thu nhập, bởi nuôi trữ cá trong ruộng cũng là một hình thức làm kinh tế.
Mô hình làm kinh tế hiệu quả
Thời gian nước tràn đồng lâu hơn so với làm một vụ lúa khoảng 2 tháng, vì vậy, cá có thời gian lẫn không gian phát triển tốt. Tầm tháng 11, người dân bắt đầu thu hoạch cá bằng hình thức kéo lưới, nhà nào ít thì cũng gần trăm ký, nhiều thì cũng mấy trăm. Anh Trần Văn Út, một nông dân nuôi cá vụ này, phấn khởi thông báo: "Thường thì thu hoạch như vậy là không nhiều đâu, do trong lúc nuôi người ta cũng thường xuyên bắt ăn nữa nhưng có bán ra, kiếm được chút lời cũng vui rồi, tại vì mình nuôi mình bỏ đó, có đầu tư gì nhiều đâu mà đòi ăn nhiều. Nhưng mà năm nay, tôi nhắm chừng là thu cũng cỡ chục triệu đồng, tại vì cá đồng ở đây có giá lắm".
Nuôi hay đánh cá đồng mùa nước nổi không còn xa lạ gì đối với người dân miền Tây, nhất là đối với những tỉnh đầu nguồn hai con sông lớn. Vào tháng 8 và tháng 9 dương lịch hằng năm, không làm lúa được thì bà con nơi đây sống nhờ vào công việc lênh đênh trên con nước, đánh bắt cá kiếm sống. Nhờ nguồn lợi thủy sản dồi dào, phong phú mà cuộc sống của họ ổn định. Nuôi và khai thác cá đồng ở vùng lũ như An Giang hay Đồng Tháp là như vậy, còn những tỉnh vùng dưới như Hậu Giang, người dân nơi đây khéo léo dựa vào địa thế tự nhiên mà có cách rất hay để thích nghi với mùa nước nổi, dựa vào đó đem lại nhiều lợi ích chứ không riêng gì lợi ích kinh tế.
Cung cầu ổn định
Tại xã Hòa Mỹ, có một khu chợ cá đồng hoạt động đã lâu, phục vụ người dân trong vùng mua bán, trao đổi các loại sản vật mùa nước nổi. Thông tin từ nhiều tiểu thương rằng cá đồng ở đây có giá từ ổn định cho đến cao, vì gần đồng ruộng nên cá rất tươi và được ưa thích. Cá đồng mắc hơn cá nuôi từ 20.000-30.000 đồng/kg, tùy loại. Thậm chí, có một số mối, lái nhỏ đến mua rồi chuyên chở cá đi bán lại ở TP Ngã Bảy. Cung cầu ổn định nên người làm mô hình này sống khỏe. Trong mùa nước lớn có cá ăn, qua mùa nước lớn thì có thêm một khoản thu nhập.
Bình luận (0)