Hơn 2 tháng nay, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hải và chị Lê Thị Tuyết Nhung (thợ sơn nước, quê An Giang) chỉ làm được 13 ngày công với số tiền hơn 10 triệu đồng. Đã vậy, vợ chồng chị vẫn chưa chủ công trình thanh toán. Nợ tiền nhà đến 3 tháng, thậm chí không có cả tiền ăn, vợ chồng anh Hải đành mượn tiền bà chủ nhà để sống qua ngày.
Bà Lê Thị Kim Chi - chủ một khu nhà trọ ở phường An Phú, TP Thủ Đức, TP HCM. kể trước khi kinh doanh nhà trọ, vợ chồng bà rất nghèo, thậm chí không đủ ăn. Cách đây 20 năm, khi làn sóng công nhân ngoại tỉnh đến TP HCM làm việc ngày một nhiều, bà vay tiền xây 10 phòng trọ cho họ thuê. Từ 10 phòng ban đầu, đến nay đã lên 40, với hơn gần 100 công nhân thuê.
"Người lao động ở trong khu nhà trọ ai cũng khó khăn. Tôi cũng từng rất khó khăn nên xem các em, các cháu như người thân. Có người nợ đến 3-4 tháng tiền nhà tôi cũng không nỡ đòi vì biết các anh chị em bị nợ lương" - bà Chi bày tỏ.
Bà Chi là một trong những chủ trọ tiên phong đăng ký định mức điện, nước để công nhân được mua đúng giá. Mỗi phòng trọ có diện tích từ 13-15 m2, với giá thuê 2 triệu đồng/phòng/tháng. Những người ở lâu, có hoàn cảnh khó khăn, bà chỉ lấy 1,8 triệu đồng/phòng. Khu trọ có hệ thống báo cháy, camera an ninh phủ từ trước ra sau.
Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, khu trọ của bà trở thành "Nhà trọ 0 đồng" với chương trình miễn phí đến 5 tháng tiền nhà. Không chỉ vậy, vợ chồng bà còn đi từng phòng trọ bảo: "Anh chị em cứ an tâm, không lo đói. Vợ chồng tôi sẽ đồng cam cộng khổ cùng mọi người".
Gia đình bà mua gạo, xin rau, thực phẩm các nơi cho người lao động. Nhà bà còn thường xuyên mua bánh bao, bánh mì, xôi… để đưa đến từng phòng trọ trong thời gian thành phố giãn cách.
Trong dịp Tết nguyên đán hằng năm, bà đã đi siêu thị chọn từng món quà cho công nhân ở trọ khu nhà mình. Quà Tết là các mặt hàng thiết yếu như gạo, bánh, nước ngọt, mứt… trị giá 400.000 đồng/phần. Những công nhân ở xa, để tiện lợi, đỡ mang vác, bà li xì vho họ.
Ngoài ra, khu nhà trọ của bà Chi có nhiều gia đình công nhân thuộc diện khó khăn, do đó các chương trình hỗ trợ công nhân của địa phương hay chương trình vui chơi cho con người lao động vào Tết Thiếu nhi, Trung Thu… bà đều đăng ký cho công nhân, con công nhân ở khu trọ của mình. Có khi, người lao động bận tăng ca hay về trễ, bà thay cha mẹ chở các cháu đến phường vui chơi, nhận quà.
Bình luận (0)