Tận mắt chứng kiến thần tượng bằng da bằng thịt và được giao lưu với những người cùng đam mê… giúp nhiều bạn trẻ làm giàu giá trị cảm xúc.
Đong đầy niềm vui
Thời gian gần đây, việc săn vé concert càng trở thành cuộc chiến. Với các buổi diễn của nghệ sĩ nổi tiếng, người hâm mộ phải xếp hàng chờ đợi từ sớm để có được chỗ đứng tốt nhất. Để hạn chế tình trạng này, các sự kiện gần đây đã áp dụng số queue (thứ tự xếp hàng vào sân) khi phát hành vé.
Mong muốn được nhìn thấy thần tượng ở khoảng cách gần nhất là động lực khiến nhiều bạn trẻ kiên nhẫn chờ đợi. Kết thúc ca làm việc sáng, Nguyễn Hoài Lam (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) tranh thủ ghé tiệm internet để săn chiếc vé của một concert mở bán lúc 12 giờ. Để có được vị trí tốt, bạn trẻ 9x này phải săn được vé có số queue càng nhỏ càng tốt. Việc này đòi hỏi đường truyền internet mạnh và thao tác trên máy thật nhanh. Nỗ lực của Lam cuối cùng được đền đáp khi hệ thống vé trả về số queue hai chữ số.
Ngày concert diễn ra, Lam là 1 trong 55 người đầu tiên vào sân. Được ngắm thần tượng ở cự ly gần đem lại cảm giác khó tả cho người hâm mộ. Nếu may mắn, khán giả còn được thần tượng tương tác thân thiện: vẫy tay, nở nụ cười hoặc thậm chí chụp ảnh selfie… Với Lam, đây không chỉ là phần thưởng cho sự kiên nhẫn mà còn là khoảnh khắc đong đầy niềm vui.
Fandom (cộng đồng người hâm mộ) còn thể hiện phong cách cá nhân và tình yêu với nghệ sĩ qua sự đầu tư kỹ lưỡng về trang phục, make-up và làm tóc. Mới đây, sân vận động Phú Thọ (TP HCM) diễn ra concert của một nhóm nhạc nam đình đám của Hàn Quốc. Cả không gian xung quanh sân khấu được bao phủ sắc xanh - màu đặc trưng của fandom nhóm này. Hàng ngàn người hâm mộ diện áo quần, phụ kiện màu xanh, sẵn sàng cho cuộc hội ngộ với thần tượng.
Dù concert chính thức bắt đầu lúc 17 giờ, song Thanh Tâm (sinh năm 1996, ngụ Sóc Trăng) cùng nhóm bạn đã có mặt từ 13 giờ để tranh thủ chụp ảnh. Ban tổ chức và fandom đã bố trí nhiều Photobooth khổ lớn rất ấn tượng. Từng "đu idol" ở nhiều quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc…, Tâm chia sẻ: "Concert K-pop không chỉ là buổi trình diễn nghệ thuật mà còn là dịp gặp gỡ người cùng sở thích".
Kết nối cộng đồng
Với một bộ phận giới trẻ, concert tạo điều kiện để họ kết nối cộng đồng. Trước thềm sự kiện, người hâm mộ thường tham gia vào các dự án chuẩn bị vật phẩm fan-made (túi, quạt, card bo góc...), chiến dịch quảng bá trên mạng xã hội, quảng cáo màn hình LED ngoài trời, in banner... Xếp chữ bằng đèn LED tại concert để truyền tải thông điệp và gây bất ngờ cũng là một "đặc sản" của fandom Việt Nam. Những hoạt động trên khiến người hâm mộ thấy mình là một phần cho sự thành công của concert. Các tiết mục được dàn dựng công phu với âm nhạc, vũ đạo, trang phục và sân khấu đẳng cấp. Đáng chú ý hơn hết là phần tương tác giữa thần tượng và người hâm mộ.
Phương Bối (quê Tiền Giang) rất chăm "săn vé" concert của Super Junior và cực hào hứng với những màn biểu diễn live chất lượng cao. Những câu nói "Xin chào", "Xin cảm ơn", "Anh yêu em"... hay đơn giản là việc gọi tên rành mạch các món "phở", "bánh mì", hủ tiếu", "bún chả" trong "SUPER SHOW SPIN-OFF: Halftime" mới đây đã tạo sự gần gũi và thân thiện. Người hâm mộ nói vui rằng Super Junior đã "hòa tan" vào ẩm thực Việt Nam. Như trưởng nhóm Lee Teuk kỳ vọng: "Nếu có đau lưng, mệt mỏi, stress, các bạn hãy bỏ lại hết ở đây rồi đi về nhé", concert kết thúc với ảnh hưởng tích cực đến tinh thần người trẻ. Những cảm xúc vui vẻ từ sự kiện giúp khán giả hạnh phúc, thư giãn, giảm bớt căng thẳng và lo âu thường nhật. "Sự cống hiến và nỗ lực hết mình của các nghệ sĩ trong hơn 2 giờ trên sân khấu đã truyền cảm hứng cho người hâm mộ" - Phương Bối bộc bạch.
Việc các nhóm nhạc, nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng sử dụng tiếng Việt khi giao lưu còn tạo nên kết nối đặc biệt, không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp mà còn là sự tôn trọng dành cho người hâm mộ.
Bình luận (0)