Polystyrene, còn gọi là xốp, được sử dụng rộng rãi trong bao bì và các sản phẩm dùng một lần. Vật liệu này bền bỉ với thời gian, nhưng cũng vì bền bỉ nên khó phân hủy trong tự nhiên.
Các phương pháp tái chế truyền thống như sử dụng hóa chất hay nhiệt độ cao đều rất tốn kém và gây ô nhiễm nặng. Đó là lý do khiến các nhà khoa học tìm kiếm một giải pháp sinh học cho vấn đề rác thải nhựa.
Mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Quốc tế về Sinh lý và Sinh thái côn trùng ở Kenya phát hiện ra sâu bột nhỏ bản địa có thể ăn và tiêu hóa polystyrene.
Sâu bột nhỏ - trạng thái ấu trùng của bọ Alphitobius diaperinus, một loài côn trùng thuộc họ Tenebrionidae (bọ cánh cứng đen) - có khả năng tiêu hóa và phân hủy nhựa Polystyrene đáng ngạc nhiên.
Các nhà khoa học nhận thấy hệ tiêu hóa của ấu trùng chứa vi khuẩn và enzyme có khả năng phân giải cấu trúc hóa học của polystyrene thành các hợp chất đơn giản hơn, ít gây hại hơn.
Trong thử nghiệm kéo dài hơn 1 tháng, nhóm nghiên cứu cho ấu trùng ăn 3 chế độ: chỉ ăn polystyrene, chỉ ăn cám, hoặc một bữa cám trộn polystyrene.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ấu trùng được ăn chế độ kết hợp giữa polystyrene và cám có tỉ lệ sống sót cao hơn so với những con chỉ ăn polystyrene. Chúng đồng thời tiêu thụ polystyrene hiệu quả hơn so với những con chỉ ăn polystyrene. Điều này cho thấy ấu trùng cần có chế độ ăn hợp lý để tiêu hủy polystyrene hiệu quả hơn.
Những ấu trùng có thể hấp thụ polystyrene vì vẫn lấy được năng lượng từ carbon và hydro. Thế nhưng, nếu chỉ ăn polystyrene, vi khuẩn đường ruột của chúng không hoạt động tối ưu. Ấu trùng ăn chế độ kết hợp polystyrene và cám có khả năng phân hủy khoảng 11,7% tổng lượng polystyrene trong suốt thời gian thử nghiệm.
Theo trang The Conversation, dù sâu bột nhỏ có nguồn gốc châu Phi, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp chúng ở nhiều nơi trên thế giới. Sâu bột nhỏ thường hiện diện chủ yếu trong các trại chăn nuôi gia cầm, nơi có môi trường ấm áp và lượng thức ăn dồi dào, là những điều kiện lý tưởng để chúng sinh trưởng.
Giai đoạn ấu trùng sẽ kéo dài từ 8 tới 10 tuần, sau đó chúng sẽ phát triển thành bọ cánh cứng Alphitobius.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!