Theo World Travel Awards đưa tin ngày 2-12, Việt Nam đã vượt qua các ứng cử viên khác là Armenia, Brazil, Ai Cập, Hy Lạp, Nhật Bản và Ả Rập Saudi để giành giải thưởng danh giá trên. Trước đó, vào các năm 2019, 2020, 2022, Việt Nam cũng được vinh danh ở hạng mục Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới.
Cũng tại lễ trao giải này, Hà Nội lần thứ 3 liên tiếp thắng giải Điểm đến cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu thế giới. Tam Đảo - tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ 2 nhận giải Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới. Mộc Châu - tỉnh Sơn La nhận giải Điểm đến thiên nhiên địa phương hàng đầu thế giới. Tỉnh Hà Nam lần đầu tiên nhận giải Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu. Phú Quốc là Hòn đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới.
Hẳn người dân Việt Nam nào cũng vui và tự hào khi nước ta được vinh danh với nhiều giải thưởng về du lịch và liên tiếp nhiều năm như thế. Những tổ chức uy tín của toàn cầu khen ngợi là thêm dấu son cho du lịch Việt - từ nguồn cảnh quan thiên nhiên cho đến những tố chất khác, như bề dày văn hóa, văn minh du lịch…
Tuy nhiên, cần hiểu đó chỉ là một mặt của tấm huy chương, những điển hình trên cũng chỉ là một địa phương và chỉ biểu dương trên một khía cạnh. Bên ngoài nhìn vào, khen ngợi đất nước ta có những di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, đó là lợi thế của du lịch, là nguồn tài nguyên quý giá, cần phát huy và làm cho giàu đẹp hơn lên.
Hơn ai hết, chúng ta phải nhìn ra những mặt trái, hạn chế của du lịch Việt Nam để khắc phục. Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 18-5-2023 đã chỉ ra nhiều hạn chế cần khắc phục đối với du lịch, như hành lang pháp lý cho đầu tư, phát triển du lịch chưa đột phá, chiến lược thị trường chưa linh hoạt, sản phẩm du lịch không đa dạng. Các dịch vụ chưa kết nối để tạo thành hệ sinh thái kinh tế du lịch. Hệ thống hạ tầng còn thiếu, không đồng bộ. Chính sách thị thực cũng được đánh giá chưa hợp lý, thời gian lưu trú ngắn.
Ngoài ra, công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao quốc tế còn hạn chế, thiếu nhân lực chất lượng cao. Chuyển đổi số về du lịch chưa theo kịp yêu cầu phát triển...
Với cái nhìn trực quan, có thể thấy chúng ta chưa tạo ra được sản phẩm du lịch chất lượng, bền vững, an toàn. Cứ dịp lễ, Tết là các hãng hàng không đẩy giá lên, các điểm đến không liên kết thành chuỗi mà mạnh ai nấy làm… Bên cạnh tình trạng nhà vệ sinh thiếu sạch sẽ thì thái độ bất cần, sẵn sàng "chặt chém" du khách ở nhiều nơi chưa được khắc phục.
Cũng từ sự vinh danh này, các địa phương phải quảng bá tốt hơn, bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Khắc phục những nhược điểm trên, người Việt hãy ứng xử thật đẹp, văn minh, thân thiện, với hàm lượng tri thức, văn hóa cao, từ cảnh quan đến con người, cung cách ứng xử. Từ đó tạo thêm nhiều thiện cảm để thu hút du khách đến và quay trở lại nhiều lần, không còn tình trạng "một đi không trở lại".
Bình luận (0)