Con sông Tang bốn mùa đong đầy nước uốn lượn qua xóm Dốc Tình, cái xóm nhỏ biệt lập trên mô đất giữa lòng sông, cỏ cây xanh ngút tầm mắt vì lớp phù sa đỏ quạch bồi lên sau những cơn lũ mùa. Không ai biết cái tên xóm Dốc Tình có từ bao giờ, chỉ biết rằng con đường vào xóm là con đường đất nhão quanh co, dốc nhấp nhô, đêm đêm trai gái thường ra đây hẹn hò tình tự. Xóm nhỏ đìu hiu chỉ vỏn vẹn ba mươi nóc nhà nhưng cưu mang đủ mọi cảnh đời.
"Má, vô nhà chớ đứng đó chi cho lạnh! Chiều ni vợ chồng con lên thị trấn bốc thuốc, má ở nhà cứ ăn cơm trước" - tiếng thằng Phi đứng bên hiên vọng ra.
Bà lững thững quay vô cầm cây chổi dừa quơ đám lá thầu đâu rụng tơi bời trước cổng. Mùa này thầu đâu trổ bông, đêm qua gió mưa một trận sáng ra bông rụng tím sân. Dạo này, đêm nào bà cũng mơ giấc mơ thời con gái, bà cùng cha thằng Phi ngồi trên chiếc ghe bầu ngược dòng lên thượng nguồn, năm đó bà mới mười bảy, đã biết phụ má đi quanh làng gom chuối về bỏ cho mấy cái chợ lớn trên thị trấn. Cha thằng Phi vì mê cái má lúm đồng tiền với con mắt thăm thẳm như sông mà quấn quýt bà cho tới ngày rước được về làm vợ. Cưới nhau năm trước, năm sau bà sinh thằng Phi, năm sau nữa cha nó đi gỗ, ghe đắm, người cũng không về…
"Ngoại ơi cho con xin miếng nước" - tiếng con nít thỏ thẻ ngoài cổng.
Bà ngó ra. Bên hàng râm bụt, một con bé chừng chín tuổi da mốc cời trong bộ đồ thun màu cam, hai ống chân gầy thò ra như chân chim dưới cái ống quần ngắn lên tới gối. Con bé chìa cái thau nhôm móp méo ra trước mặt bà, cười toe: "Ngoại cho con vô múc miếng nước nhen!". Bà lập cập đi ra mở cổng, ai chớ con bé này bà biết, nó đâu như cháu ông già mù mài dao kéo hay ngồi bên gốc vông đồng cụt. Sáng nào nó cũng dắt ông tới để đó rồi đi, chiều quay lại dắt ông về. Bà chỉ cái giếng ở góc vườn: "Đó, con ưng múc mấy đó múc!".
Con bé nhanh nhẹn thả gàu cong lưng kéo nước đổ đầy cái thau nhôm rồi lại thả gàu múc tiếp. Bà dừng quét lom lom nhìn nó. Con bé kéo thêm mấy gàu nước đổ vô cái ảng để gần đó. Bà sực nhớ ảng nước cạn khô từ hôm qua mà sáng giờ bà chưa múc được, tại cái lưng già rồi cứ trở chứng đau. "Thôi để đó đi con, chút rồi ngoại múc!". Con bé chẳng nói chẳng rằng, tiếp tục cong lưng múc đổ đầy cái ảng rồi mới le te bưng chậu nước đi ra, tới cổng, nó không quên quay lại nhìn bà lỏn lẻn cười: "Cám ơn ngoại nhen!".
Bà nhìn theo hai cẳng chân gầy của nó mà thương. Con bé đi về phía gốc vông đồng cụt, để chậu nước xuống bên cạnh ông già mù. Ông già cặm cụi mài dao, thỉnh thoảng dừng tay hắt miếng nước trong chậu vô cục đá mài rồi mài tiếp. Nắng chiều hắt lên người ông những tia chói nhạt màu. Cả cái xóm Dốc Tình này nhà nào dao rựa cùn đều đem cho ông già mù mài, dù nhà nào cũng có cái cối đá mài dao ngon lành nhưng họ vẫn đem cho ông già làm để ông kiếm ít đồng mua gạo.
Nhiều người trong xóm hay chọc, gọi ông già mù là người hạnh phúc nhất, lụt lội ai nấy xấc bấc xang bang, riêng ông già vẫn ngồi bó gối thu lu trong chòi nhìn ra vì mắt ông đâu thấy cảnh tan hoang, ông thản nhiên bập bập điếu thuốc lá, thỉnh thoảng lại nhành miệng ra cười. Từ ngày có con bé, ông già mài được nhiều dao hơn, đi đứng cũng không phải lần dò như trước. Không ai hỏi con bé nhưng họ đoán nó là cháu họ hàng nhà ông. Đều đặn mỗi ngày con bé ghé qua, đưa cho ông già cái cà mèn cơm, trong đó, khi thì có mấy trái đậu cô ve xào, lúc lại vài con tôm đồng kho tiêu.
Ông già xong việc, rửa tay xúc cà mèn cơm ăn ngon lành, con mắt mờ đục cứ nhìn trân trân ra phía trước. Mùa hè, có ngày nóng quá con bé dắt ông già ra sông cởi hết áo, vừa kỳ cái lưng vằn vện, mốc cời đất không là đất của ông, nó vừa thủ thỉ kể chuyện, chuyện gì bà nghe không rõ, chỉ biết ông già lâu lâu lại ngửa mặt lên trời cười hơ hơ, mảng da nhão nhoẹt ở bụng, ở cổ cứ rung lên. Con bé múc nước sông tắm cho ông già, chải lại cái đầu lơ thơ còn vài cọng tóc, tiện thể nó chà luôn đôi dép tổ ong cáu đen. Ông già có đứa cháu thiệt là phước đức, nhiều lần bà nhìn thấy cái cảnh đó, ngậm ngùi ngó ra khúc sông xơ rơ trôi.
Bà quay vô nhìn cái nhà vắng ngắt nén tiếng thở dài, tiếng thở theo gió ra sông, phải chi bà có đứa cháu đêm hôm vui vầy cũng đỡ. Vợ chồng thằng Phi cưới nhau hơn sáu năm vẫn im thinh, nó cưới được con vợ đẹp nhưng tình cảm khô khan, lạt lẽo. Vợ chồng nó trước cũng khấm khá nhưng thằng Phi từ cái đận hùn vốn nuôi tôm thất bát, nhà cửa bán lần trả nợ rồi về đây, vợ nó càng lạnh nhạt với bà hơn, nghe đâu chậm con cũng là do thằng Phi nhà bà.
Làm có đồng nào vợ chồng lại dắt nhau đi chữa chạy, mới đây nghe trên thị trấn có ông thầy bốc thuốc bắc hay lắm, vợ chồng lại dắt díu nhau đi. Ngoài sông vọng vào tiếng con bìm bịp kêu chiều, bà ngóng ra, một con bìm bịp miệng ngậm mớ cỏ khô bay về phía bãi bói cuối đồng. Bà vô bếp lui cui nhen lửa hâm lại nồi cá kho, xúc chén cơm ra hiên ngồi, mắt lại ngóng ra sông. Bóng chiều liếm ngược lên chái bếp thành một vệt sáng rập rờn, vệt sáng cuối ngày chậm rãi men qua bức vách rồi nhạt dần trong bóng chiều tĩnh lặng.
* * *
Cái tin ông già mù mài dao kéo chết đêm qua lan đi cả xóm Dốc Tình, ai cũng chép miệng thương cảm. Mỗi người một tay chạy tới lo cho ông mồ yên mả đẹp. Nắng cuối ngày gắt gao là vậy, bỗng ì ầm đổ xuống một cơn giông, ai nấy tất tả về, còn lại con bé ngồi co ro trong góc chòi nhìn ra, trên tay nó một con mèo nhỏ ướt nhẹp đang meo meo từng tiếng yếu ớt.
"Hay về ở đỡ nhà bà đi! Chớ mưa gió đêm hôm…" - bà nán lại, ngồi xuống bên con bé. "Con đi, để một mình ông lạnh, tội ông!" - nó ngước nhìn cái bàn thờ mấy bác hàng xóm dựng tạm cho, trên đó đặt dĩa trái cây, nhành hoa cúc cạnh bên bát hương mịt mù khói. Bà kéo nó lại gần, nghe con mắt cay cay, cái lưng xương xẩu của nó cộm lên dưới tay bà. "Ông mất rồi, con còn ai là người thân nữa không?" - bà hỏi.
Con bé lắc đầu thầm thì: "Con còn ai đâu, con ở với nội từ lúc má mới đẻ con, nội mất, con xin vô rửa chén cho quán cơm trên thị trấn, bữa đó bà chủ có việc sai con vô xóm này, đi qua thấy ông ngồi mài dao mà mắt không thấy đường… con thương!" - con bé chầm chậm kể, gương mặt trẻ thơ như rơi mất ở một hẻm hóc tù mù nào đó.
"Ủa, chớ ông già không phải là…?" - bà ngạc nhiên kêu lên. "Dạ không!" - con bé lắc đầu, mắt lại ngước lên bàn thờ, chừng thấy nhang đã tàn nó đứng lên thắp thêm nén khác, tiếng nó rì rầm: "Con ở đây với ông cho ấm, chừng vài bữa nữa con phải về nhà bà chủ, nhen ông!".
Ngoài kia giông đã tan, trăng lạnh như sương đổ tràn xuống con đường bàng bạc. Bà ngước nhìn những cọng khói nhang đang vẽ nên dáng hình của những trái tim. Khói làm bà ấm hay tấm lòng con bé làm bà ấm? Bà ngồi lặng đi nghe mùi của khói, để khói xông lên con mắt cay xè đang nhòe nhoẹt nước. Bên mảnh trăng non đang xiên chéo vào căn chòi thênh thang gió, con bé ngồi đó như bất động với đôi mắt ráo hoảnh sáng như hai vì sao, thân hình còm cõi cong lại như một vệt lõm vào đêm. Bà chợt nhận ra, những đứa trẻ cô độc đều có một thế giới của riêng mình, càng lớn nó càng lặn sâu trong cái thế giới đó…
"Thôi bà về đây, sáng mai bà lại qua với con" - bà đứng lên nhúc nhắc đi ra.
Con bé khẽ dạ, đưa tay đỡ: "Để con đưa bà về chớ đêm hôm…".
Đường quê tù mù. Tiếng dế lẫn trong tiếng nước rả rích rơi. Ở quê, những đêm sau mưa thật buồn. Đi bên con bé, bà lại mơ mình trở về những ngày thơ trẻ, ngồi bên bậc thềm chân thõng xuống chạm vào đám rêu ướt mát lạnh, nghe tiếng chim chèo bẻo về trên cây thầu đâu trước ngõ, tiếng nó lanh lảnh hót lên những khúc nhạc đồng chiều êm ả. Bên con bé, bà chợt thấy lòng như mềm lại, muốn được tựa vào cái thân hình nhỏ bé kia mà đi. Từ nó truyền sang bà nỗi ấm áp, bình yên. Đến trước cổng nhà, nó chợt kéo tay bà chỉ lên cao.
"Bà có nhìn thấy ngôi sao thiệt sáng trên kia không?".
"À, ờ… bà thấy".
"Nó là bạn của con đó!" - con bé thầm thì ra chiều thú vị - "Ngôi sao cũng như con, chẳng bao giờ chịu khóc… Bà có biết không?" - con bé ngửa mặt lên cao mơ màng. Như sực tỉnh, nó quay sang: "Bà vô ngủ nhen! Con về đây!". Con bé quay đi, bà chợt bắt gặp từ đuôi mắt nó ứa ra một giọt nước trong ngần…
Tác giả Vũ Ngọc Giao
- Tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Giao.
- Sinh ngày 20-7-1972.
- Quê quán: Bình Sơn - Quảng Ngãi.
- Hiện sống và làm việc tại TP Đà Nẵng.
- Đã xuất bản: "Búp bê Matryoshka" (tản văn - truyện ngắn), NXB Hội Nhà văn, 2019; "Dòng chảy" (hồi ký, chấp bút), NXB Hội Nhà văn, 2022; "Người đàn bà và chiếc dương cầm" (tập truyện ngắn), NXB Dân Trí, 2023; "Miền trăng tối" (tiểu thuyết), NXB Dân Trí, 2023.
Bình luận (0)