Hiện còn gần 34 triệu lao động, tương đương 65,3% lực lượng lao động cả nước, là những lao động phi chính thức, không được tiếp cận các chính sách an sinh về BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp.
Dù là lực lượng lao động đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, song các chính sách an sinh xã hội vẫn chưa bao phủ lên số đông người lao động (NLĐ) làm việc tại khu vực phi chính thức. Có đến 97,8% lao động phi chính thức không tham gia vào bất kỳ một loại hình bảo hiểm nào. Chỉ có 2,1% NLĐ phi chính thức cho biết họ có tham gia BHXH tự nguyện và chỉ có 0,1% lao động phi chính thức có BHXH bắt buộc (chủ yếu là nhóm lao động gia đình và lao động tự làm).
Ở nhiều địa phương trên cả nước có tình trạng gia đình tìm mọi cách để con em chen chân vào cơ quan Nhà nước. Khi đã được tiếp nhận, dù mức lương tháng chỉ ba cọc ba đồng, song bù lại, có cái danh là viên chức Nhà nước, khi đau bệnh có BHYT thanh toán phần lớn chi phí và sau này về già được hưởng lương hưu. Sự tính toán đó xuất phát từ chính sách quan tâm tới đội ngũ viên chức bằng các chế độ phúc lợi bảo đảm cuộc sống. Trong khi đó, chính sách lại gần như bỏ quên lao động phi chính thức. Một viên chức dù đời sống thanh đạm vẫn có địa vị và bảo đảm xã hội mà một nghiệp chủ nhỏ dù làm ăn khấm khá vẫn không có được.
Với lao động phi chính thức, nếu không tham gia BHXH thì khi gặp rủi ro dẫn đến không có việc làm, thu nhập sẽ tạo ra những hệ lụy to lớn cho chính họ cũng như những thách thức lớn cho hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Để lực lượng này lọt lưới an sinh là một lỗ hổng lớn trong hệ thống chính sách, cần kịp thời có giải pháp phù hợp.
Gần đây, vấn đề bảo đảm an sinh cho lao động phi chính thức đã được đặt ra một cách căn cơ, quyết liệt. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thể hiện qua Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH nêu rõ: "BHXH tự nguyện (với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác) dựa trên đóng góp của NLĐ không có quan hệ lao động; có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH".
Chăm lo an sinh cho lao động phi chính thức là chủ trương đúng đắn, là hướng đến sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Dù muộn, vẫn còn hơn không. Do đó, cần chính thức hóa lao động phi chính thức bằng biện pháp tham gia BHXH và bảo vệ quyền của họ mà không cần phải chuyển vào khu vực kinh tế chính thức. Để thu hút lao động phi chính thức vào hệ thống BHXH, nhà nước quy định và tổ chức loại hình tham gia BHXH tự nguyện mà NLĐ phi chính thức khi tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Bình luận (0)