Theo Reuters, Mỹ có thể tìm cách làm giảm khả năng xuất khẩu dầu của Iran sau khi nước này thực hiện cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel.
Phát biểu tại cuộc họp báo bên lề cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington, bà Yellen nói: “Liên quan đến việc trừng phạt, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp bổ sung chống lại Iran trong những ngày tới… Tất cả lựa chọn vẫn đang được thảo luận”.
Bà Yellen cho biết trước đó, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ đã có hành động ngăn chặn hành vi "gây bất ổn" của Iran bằng cách giảm khả năng xuất khẩu dầu của nước này.
Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nói với Reuters rằng họ đang tranh thủ sự hỗ trợ của Trung Quốc, các đối tác G7 và các nhà cung cấp lớn khác trên toàn cầu nhằm làm suy yếu khả năng tiếp tục xuất khẩu dầu của Iran.
Washington cũng ngăn Tehran có được các thiết bị vi điện tử cần thiết để chế tạo máy bay không người lái mà nước này dùng để tấn công Israel cũng như bán cho Nga.
Tuy nhiên, quan chức này lưu ý giá dầu tăng vọt chủ yếu là do bất ổn về địa chính trị chứ không phải do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo đó, các lệnh trừng phạt trong quá khứ không dẫn đến tăng giá dầu.
Về cuộc tấn công của Iran vào Israel cuối tuần trước và việc Tehran tài trợ cho các nhóm chiến binh ở Dải Gaza, Lebanon, Yemen và Iraq, bà Yellen cho rằng hoạt động này đã đe dọa sự ổn định ở Trung Đông và có thể gây ra tác động về kinh tế.
“Mỹ đang sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính để cô lập Iran và phá vỡ khả năng tài trợ của họ. Bộ Tài chính Mỹ đã nhắm mục tiêu hơn 500 cá nhân và thực thể có liên quan của Iran kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền vào tháng 1-2021” - bà Yellen dẫn số liệu thống kê.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Tehran đã cấm gần như toàn bộ hoạt động thương mại của Mỹ với nước này, đồng thời phong tỏa tài sản của chính phủ Iran ở Mỹ.
CRS nhận định: “Các biện pháp trừng phạt đối với Iran được cho là sâu rộng và toàn diện nhất mà Mỹ duy trì đối với bất kỳ quốc gia nào”.
Cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Peter Harrell dự đoán các lựa chọn trừng phạt tiếp theo của Mỹ bao gồm nhắm mục tiêu vào dòng dầu, các công ty bình phong và các nhà tài trợ của Iran.
“Một trong những động thái quan trọng nhất là Washington yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh phương Tây khác áp đặt các lệnh trừng phạt đa phương đối với Tehran. Hầu hết lệnh trừng phạt hiện nay đối với Iran là các biện pháp của Mỹ” - ông Harrell nói.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ cho biết họ sẽ xem xét một loạt dự luật để tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Iran, bao gồm thắt chặt hạn chế xuất khẩu hàng hóa và công nghệ của Mỹ sang Iran.
Trước đây, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran đã nhắm vào năng lực hạt nhân, các lĩnh vực năng lượng và quốc phòng, các quan chức chính phủ, ngân hàng và các khía cạnh khác của nền kinh tế Iran.
Bình luận (0)