Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa phát đi tín hiệu về sự thay đổi lớn trong chính sách của Washington đối với Kiev khi cho biết ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm và đồng ý bắt đầu đàm phán "lập tức" để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
Cuộc điện đàm trên kéo dài hơn 1 giờ hôm 12-2. Tổng thống Trump cho biết ông có lẽ sẽ gặp trực tiếp Tổng thống Putin trong thời gian tới, gợi ý rằng cuộc gặp này có thể diễn ra tại Ả Rập Saudi.
Ông chủ Nhà Trắng sau đó cũng trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky qua điện thoại nhưng không cam kết rõ ràng về việc Kiev có phải là một bên tham gia bình đẳng trong tiến trình đàm phán sắp tới giữa Mỹ và Nga về cuộc khủng hoảng hay không. Thay vào đó, ông chủ Nhà Trắng chỉ ra điểm chung giữa ông và 2 nhà lãnh đạo Nga, Ukraine là đều muốn hòa bình.
![Mỹ đổi chính sách về Ukraine- Ảnh 1. Mỹ đổi chính sách về Ukraine- Ảnh 1.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/13/edit-chot-2-1739455240226769543308.jpeg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lần gặp nhau tại TP Osaka - Nhật Bản hồi tháng 6-2019. Ảnh: SPUTNIK
Trong khi đó, theo đài RT, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết cuộc trao đổi giữa ông Putin và ông Trump đề cập nhiều vấn đề, trong đó cuộc xung đột Nga - Ukraine là trọng tâm. Theo ông Peskov, Tổng thống Putin nhấn mạnh cần phải loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột này và đồng ý với ông Trump rằng có thể đạt được thỏa thuận lâu dài thông qua đàm phán hòa bình.
Ngoài ra, Tổng thống Putin đã mời ông Trump đến thăm Moscow và bày tỏ sẵn sàng tiếp đón các quan chức Mỹ tại Nga để thảo luận về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, trong đó có cả Ukraine và giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine.
Đài Al Jazeera nhận định cuộc trao đổi giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin là dấu hiệu cho thấy Mỹ và Nga có thể tìm cách đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột mà không cần có sự đồng ý hoặc tham gia đầy đủ của Ukraine.
Đây sẽ là bước đi khác biệt so với chính quyền Tổng thống Joe Biden, vốn luôn khẳng định rằng giới lãnh đạo Ukraine sẽ là một bên tham gia đầy đủ trong mọi quyết định đưa ra về cuộc xung đột với Nga.
Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2-2022, chính quyền Tổng thống Biden đã cung cấp viện trợ quân sự và các hỗ trợ khác cho Ukraine trong lúc không liên hệ trực tiếp với ông Putin. Ngoài ra, Washington còn cùng các đồng minh ở châu Âu yêu cầu Nga rút quân và để ngỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO trong tương lai.
Nga hiện kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine và yêu cầu Kiev duy trì trạng thái trung lập vĩnh viễn trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Trong khi đó, Ukraine đòi Nga rút khỏi các vùng lãnh thổ đã chiếm đóng và khẳng định Kiev phải được gia nhập NATO hoặc nhận được các bảo đảm an ninh tương đương để ngăn xung đột tái diễn.
Tờ The Wall Street Journal hôm 12-2 tiết lộ Trung Quốc đã đề xuất tổ chức cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin nhằm giúp chấm dứt cuộc xung đột. Theo tờ báo, các quan chức Trung Quốc trong những tuần gần đây đã thông qua các bên trung gian để đề xuất với nhóm của ông Trump về việc tổ chức cuộc gặp nói trên.
Trước đó, theo kế hoạch hòa bình được công bố năm 2024, Trung Quốc và Brazil đề xuất tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế "vào thời điểm thích hợp" và kêu gọi sự tham gia bình đẳng của cả Ukraine lẫn Nga.
Châu Âu lo lắng
Những diễn biến nhanh chóng về vấn đề Ukraine gần đây đã gây lo ngại cho châu Âu, nhất là khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang thảo luận về tương lai an ninh của châu lục này mà không có sự tham gia trực tiếp của các nhà lãnh đạo châu Âu.
Không gì lạ khi các nước lớn ở châu Âu tuyên bố họ phải tham gia mọi cuộc đàm phán trong tương lai về số phận của Ukraine, cũng như nhấn mạnh rằng chỉ có một thỏa thuận công bằng với các cam kết an ninh mới có thể bảo đảm hòa bình lâu dài.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot hôm 12-2 cho rằng sẽ không có nền hòa bình công bằng và bền vững ở Ukraine nếu không có sự tham gia của châu Âu. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock và Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Jose Manuel Albares Bueno nhấn mạnh không thể đưa ra quyết định nào về cuộc xung đột mà không có sự tham gia của Ukraine, đồng thời kêu gọi các nước Liên minh châu Âu (EU) thể hiện sự đoàn kết về vấn đề này.
Theo trang The Guardian, nhiều nhà ngoại giao cho biết các cường quốc châu Âu không được thông báo trước về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga và không khỏi bất ngờ trước lập trường thẳng thừng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth.
Phát biểu tại trụ sở NATO ở thủ đô Brussels - Bỉ hôm 12-2, ông Hegseth cho rằng việc Ukraine quay trở lại đường biên giới trước năm 2014 là không thực tế và Mỹ không xem chuyện Kiev gia nhập NATO là một phần của giải pháp hòa bình. Theo Bộ trưởng Hegseth, quân đội Mỹ sẽ không tham gia bất kỳ sự hiện diện an ninh nào ở Ukraine.
Một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu gọi lập trường này là "sự đầu hàng sớm" và chẳng còn gì để đàm phán. Trong khi đó, ông Michael McFaul, từng làm đại sứ Mỹ tại Nga giai đoạn 2012-2014, cho rằng những gì ông Hegseth nói không khác gì chính quyền ông Trump "tặng quà" cho Nga ngay cả khi đàm phán thậm chí còn chưa bắt đầu.
Xuân Mai
Bình luận (0)