Sáng ngày 10-4, Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025 với chủ đề: Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới và công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2024.

GS-TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân
Trao đổi bên lề hội thảo, GS-TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh giá việc Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày là cơ hội tốt, đây là một khoảng thời gian để cho Việt Nam tiến hành đàm phán thương mại với Mỹ, làm rõ những vấn đề mà cố vấn thương mại Mỹ đã đề cập.
Cùng với đó, Việt Nam có thời gian để chuẩn bị những giải pháp để ứng phó với những thay đổi và là thời gian để chúng ta biết thực sự tác động của việc Mỹ áp thuế quan đối ứng với toàn thế giới…
Theo đó, GS-TS nhấn mạnh một trong những nguyên tắc, giải pháp cần tuân thủ trong quan hệ thương mại với Mỹ là minh bạch xuất xứ. Nguyên liệu sản xuất không phải một nước sản xuất từ đầu đến cuối nhưng chắc chắn phần giá trị gia tăng phải được tạo ra nhiều ở Việt Nam. Đây sẽ là căn cứ để Mỹ xem xét đánh thuế.
Về dài hạn, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, tự chủ ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo.
PGS-TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, chia sẻ ban đầu khi Tổng thống Donald Trump áp thuế suất cao với Việt Nam và các nước, bản thân ông cũng cho rằng mức thuế này được đưa ra để đàm phán chứ không phải thực hiện. Trong thương mại toàn cầu, nếu mức thuế cao phi lý sẽ khiến cả 2 bên đều thua trong cuộc chiến.
Theo đó, việc Tổng thống Donald Trump thông báo tạm hoãn thuế đối ứng 46% với Việt Nam trong 90 ngày sẽ mở ra cơ hội đàm phán giữa hai quốc gia để cùng cải thiện các vấn đề giữa hai bên. Trong thời gian này, PGS-TS Phạm Thế Anh cho rằng Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ các thông tin để bước vào đàm phán và lường trước các tình huống.
Đáng lưu ý, ông cho rằng dù kết quả thế nào thì rõ ràng hoạt động thương mại quốc tế sẽ thay đổi so với trước. "Cuộc chơi thương mại toàn cầu thay đổi, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, tránh phụ thuộc vào thị trường lớn như Mỹ" - PGS-TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbringt Việt Nam, nhấn mạnh ngoại giao kinh tế trong thời gian tới là tối quan trọng.
Đây là vấn đề mà trước đây cũng đã rất quan trọng nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới thay đổi hàng ngày, hàng giờ, thì vấn đề này càng quan trọng để Việt Nam nhìn thấy trước, xa hơn những vấn đề sắp diễn ra nhằm chuẩn bị tâm thế trong một thế giới đầy biến động.
Bình luận (0)