Mỹ và Anh hôm 3-2 tiến hành các cuộc không kích mới nhằm vào 36 mục tiêu tại Yemen, trong đó có những vũ khí được phong trào Houthi sử dụng để tấn công các tuyến đường vận tải quốc tế. Các nước Úc, Bahrain, Đan Mạch, Canada, Hà Lan và New Zealand cung cấp hỗ trợ về mặt tình báo và logistics cho đợt không kích lần này.
Cũng trong ngày 3-2, theo Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, quân đội nước này còn tấn công 6 tên lửa hành trình chống hạm của Houthi trước khi chúng được phóng về phía biển Đỏ. Trước đó một ngày, lực lượng Mỹ đã đơn phương tấn công hơn 85 mục tiêu tại Syria và Iraq để trả đũa cho cái chết của 3 quân nhân Mỹ ở Jordan.
Mục tiêu của các đợt không kích trong 2 ngày nói trên đều liên quan đến những nhóm được Iran hậu thuẫn ở Trung Đông. Theo đài CNN, bằng cách không tấn công vào lãnh thổ Iran, Washington vừa tìm cách tránh xung đột trực tiếp với Tehran nhưng vẫn phát đi thông điệp đến nước này.
Điều được quan tâm nhiều lúc này là Iran sẽ lựa chọn phản ứng ra sao. Theo tờ The New York Times, Mỹ và các đồng minh trông đợi Tehran sẽ xuống thang để tránh một cuộc xung đột rộng lớn hơn tại khu vực. Dù vậy, hiện chưa rõ các nhóm được Iran hậu thuẫn có cùng hướng đi như thế hay không.
Bà Maha Yahya, Giám đốc Trung tâm Trung Đông Carnegie (trụ sở ở Lebanon), lưu ý chuyện Mỹ đã công khai cảnh báo trước vài ngày về việc không kích trả đũa, cũng như lựa chọn mục tiêu tấn công sao cho không dẫn đến một cuộc chiến rộng hơn.
Trong khi đó, phản ứng ban đầu của Iran về vụ việc được cho là không quá mạnh mẽ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani gọi đây là hành động phiêu lưu và là một sai lầm chiến lược khác của Washington, khiến căng thẳng gia tăng và gây bất ổn cho khu vực.
Dù vậy, ông Kanaani không nói gì về chuyện đáp trả, đồng thời chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến khủng hoảng ở Trung Đông hiện nay là chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza.
Dù vậy, bà Yahya cho rằng các cuộc không kích mới của Mỹ khó có thể khiến các nhóm ủy nhiệm của Iran thay đổi đáng kể hoạt động của mình. Theo bà, ngay cả khi Tehran kêu các nhóm này xuống thang, họ có thể nghe theo hoặc không. Lý do là Iran không kiểm soát trực tiếp các nhóm ủy nhiệm của mình.
Theo một số chuyên gia, chiến lược của Tổng thống Joe Biden là nhằm làm suy yếu Houthi (thông qua đòn không kích và trừng phạt) nhưng không tìm cách đánh bại nhóm này hoặc tấn công trực tiếp Iran để tránh xung đột lan rộng.
Dù vậy, chiến lược này cho đến giờ vẫn chưa thể ép Houthi chấm dứt các vụ tấn công ở biển Đỏ. Nhóm này tuyên bố vẫn tiếp tục làm thế cho đến khi có lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza. Trong khi đó, ông Kanaani nhấn mạnh chính "sự ủng hộ không giới hạn" của Mỹ dành cho Israel đã làm gia tăng căng thẳng tại khu vực.
Trong nỗ lực xoa dịu tình hình, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến đi đến Trung Đông từ ngày 4 đến 8-2 để tiếp tục thương thảo về thỏa thuận thả con tin Israel và lệnh ngừng bắn tạm thời tại Dải Gaza.
Đây là chuyến công du thứ 5 của ông Blinken tại Trung Đông kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra ngày 7-10-2023. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các chặng dừng chân trong chuyến đi lần này là Qatar, Ai Cập, Israel, Ả Rập Saudi…
EU kêu gọi kiềm chế
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự kiến họp khẩn trong ngày 5-2 để thảo luận về cuộc không kích mới đây của Mỹ ở Iraq và Syria. Ông Dmitry Polyansky, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga ở Liên Hiệp Quốc, hôm 3-2 cho biết Moscow đã đề nghị một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an để "bàn về các mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình quốc tế" liên quan đến các cuộc không kích nói trên.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định hành động của Mỹ làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông, có nguy cơ "kéo các quốc gia lớn nhất trong khu vực vào xung đột".
Về phần mình, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell hôm 3-2 kêu gọi mọi bên liên quan kiềm chế để bảo đảm tình hình Trung Đông không vượt tầm kiểm soát.
"Mọi cuộc tấn công đều góp phần làm gia tăng căng thẳng. Các bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với tiến trình này" - ông Borrell chia sẻ sau cuộc họp với các bộ trưởng ngoại giao EU ở thủ đô Brussels - Bỉ.
Cũng theo ông Borrell, EU sẽ triển khai sứ mệnh hải quân trên biển Đỏ trong tháng này để giúp bảo vệ tàu thương mại quốc tế khỏi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen. Theo trang Politico, quan chức này nhấn mạnh sứ mệnh của EU nhằm xoa dịu căng thẳng tại biển
Đỏ khi chỉ mang tính "phòng vệ" và không tấn công các mục tiêu của Houthi trên đất liền. Nhà ngoại giao hàng đầu EU cũng nhấn mạnh chừng nào xung đột ở Gaza còn tiếp diễn, rất khó để tin rằng tình hình biển Đỏ sẽ cải thiện bởi 2 vấn đề này liên quan đến nhau.
Cao Lực
Bình luận (0)