Ngày 20-12, tại Hội nghị tổng kết năm 2023 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban), Phó Chủ tịch Ủy ban Hồ Sỹ Hùng cho biết tổng doanh thu công ty mẹ 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban quản lý đạt hơn 1,13 triệu tỉ đồng, đạt hơn 105% kế hoạch năm 2023 và hơn 96,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế 19 tập đoàn, tổng công ty nếu không tính Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ước đạt 53.256 tỉ đồng, bằng 166% kế hoạch đặt ra năm 2023 và hơn 110% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả EVN, lợi nhuận trước thuế chỉ còn đạt 28.661 tỉ đồng, bằng 89,39% kế hoạch năm 2023.
Đáng chú ý, có tới 14/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 15/19 đơn vị hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế năm nay.
Thậm chí Vinacafe còn có lãi sau nhiều năm thua lỗ.
Nộp ngân sách nhà nước đạt 79.252 tỉ đồng, bằng 199% kế hoạch năm 2023 và bằng 120% so với cùng kỳ năm 2022. Có 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước.
Tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết năm 2023, tổng doanh thu PVN tính đến nay đạt 940.000 tỉ đồng, vượt 9.300 tỉ đồng so với năm 2022, còn lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 54.000 tỉ đồng.
Xuất khẩu gạo tăng mạnh
Một số tập đoàn, tổng công ty đã tích cực mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đóng góp vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, như kim ngạch xuất khẩu gạo của Vinafood 1 ước đạt 523 triệu USD, bằng 176% kế hoạch năm.
Kim ngạch xuất khẩu gạo của Vinafood 2 đạt trên 700 triệu USD, bằng 209% kế hoạch năm và bằng 163,28% so với cùng kỳ…
Tuy nhiên, theo Ủy ban, vẫn có một số tập đoàn, tổng công ty vẫn chưa đạt được một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao.
Một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai và giải ngân, công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Theo đó, năm 2023, số vốn đã giải ngân đầu tư của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu hơn 161 ngàn tỉ đồng (bằng gần 80% kế hoạch năm).
Cùng với đó, việc tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất tại các tập đoàn, tổng công ty nhìn chung còn chậm so với yêu cầu đề ra.
Tăng giá điện vẫn không bù đắp nổi chi phí, EVN lỗ
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN, cho biết doanh thu bán điện toàn EVN năm 2023 ước đạt 492.590 tỉ đồng, tăng 7,8% so với năm 2022.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, năm 2023 vẫn là một năm khó khăn với EVN. Dù tập đoàn đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, tối ưu dòng tiền, tài chính, tăng giá bán lẻ điện 2 lần (tăng 3% từ ngày 4-5 và tăng 4,5% từ ngày 9-11), nhưng vẫn không bù đắp chi phí mua điện tăng cao. Kết quả, công ty mẹ EVN vẫn dự kiến lỗ 24.499 tỉ đồng năm 2023.
Bên cạnh đó, từ cuối tháng 4-2023, do một loạt nguyên nhân đã dẫn đến việc tiết giảm điện một số ngày trong tháng 6-2023 các địa phương khu vực miền Bắc. Nguyên nhân là do phụ tải tăng cao, trong khi nước về các hồ thủy điện rất kém, sự cố các tổ máy, thiếu than...
Bình luận (0)