Tại hội nghị của Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về giải pháp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển ngày 14-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh DNNN có vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành.
Tìm hướng đi mới, khác biệt
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu toàn khu vực DNNN là 689.534 tỉ đồng, đạt 50% kế hoạch. Lãi phát sinh trước thuế thu nhập DN là 67.403 tỉ đồng, bằng 63% kế hoạch.
Ước cả năm 2023, tổng doanh thu của các DNNN đạt 1,41 triệu tỉ đồng. Tổng lãi phát sinh trước thuế ước 117.388 tỉ đồng; lỗ phát sinh ước 41.666 tỉ đồng. Khoản lỗ chủ yếu đến từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 37.062 tỉ đồng; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam 4.515 tỉ đồng.
Thông tin về tình hình của DN, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), cho hay các dịch vụ viễn thông đã bão hòa nên DN phải tìm ra phương hướng mới và phải thật sự khác biệt để phát triển. Nhận thấy cơ hội lớn từ việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, Tổng Giám đốc Viettel kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng lộ trình để các bộ, ngành, DN tiếp nhận công nghệ hàng đầu từ Mỹ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ số.
Là DNNN đang gặp khó khăn, EVN xác định một trong những nhiệm vụ chính là nỗ lực triển khai các giải pháp để cân bằng tài chính trong thời gian tới. Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV EVN, cho biết tập đoàn còn tập trung thực hiện một số nhiệm vụ khác như bảo đảm cung ứng điện, triển khai kế hoạch đầu tư - xây dựng. "Đầu tư cho lĩnh vực năng lượng là thiết yếu và quy mô rất lớn nhưng chúng ta chưa có bất cứ cơ chế đặc thù nào cho ngành này" - Chủ tịch EVN Đặng Hoàng An nêu thực tế.
Về phía địa phương, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết qua gặp gỡ, rà soát kết quả giải quyết vướng mắc của các DNNN, thành phố đã ghi nhận 232 nội dung kiến nghị và giải quyết được 113 nội dung. Các kiến nghị tập trung vào vấn đề quy hoạch đất đai, thủ tục đầu tư, thẩm quyền của các cơ quan trung ương...
Nhấn mạnh cần có cơ chế phát huy sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của DNNN, Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN theo hướng cho cơ chế đặt hàng DNNN thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, đề nghị Chính phủ ban hành nghị định về quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở...
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị của Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước về giải pháp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển ngày 14-9Ảnh: NHẬT BẮC
Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của DNNN trong dẫn dắt, tiên phong, mở đường và thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển. Thủ tướng yêu cầu tái cơ cấu DNNN sát tình hình thực tế, không chỉ tập trung tái cơ cấu vốn mà phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn.
Theo Thủ tướng, DNNN phải tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào các chương trình, dự án lớn của nhà nước, tập trung vào 3 đột phá chiến lược là thể chế, hạ tầng và nhân lực. Cụ thể là các dự án đường cao tốc, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các DNNN đề cao đạo đức doanh nhân và trách nhiệm với xã hội. DNNN cần cùng nhau chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi gặp thách thức. Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan quản lý đẩy mạnh xây dựng thương hiệu DN, ngành hàng và góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia.
DNNN còn cần tập trung đào tạo nhân lực trong các ngành mới nổi như chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ..., qua đó không chỉ tạo nguồn nhân lực cho chính DN mà còn cho địa phương và cả nước.
Về các kiến nghị của DNNN, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các cấp chính quyền tổ chức gặp gỡ, đối thoại với DN định kỳ 3 tháng/lần để kịp thời ghi nhận, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN khẩn trương phê duyệt các kế hoạch, chương trình, đặc biệt là kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, để DNNN có điều kiện thể hiện rõ hơn vai trò của mình. Cơ quan này cũng cần quyết liệt xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Tạo mọi thuận lợi
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, tạo mọi thuận lợi cho DNNN.
Thủ tướng lưu ý cơ quan quản lý phải đặt mình vào vị trí của DN để giải quyết các khó khăn, vướng mắc với tinh thần chia sẻ, khuyến khích những người làm đúng, làm tốt và cương quyết xử lý hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Bình luận (0)