Lục lọi chai nước suối trong ba lô, ông Đặng Thanh Hùng (tài xế xe ôm công nghệ, quận 3, TP HCM) đưa lên miệng tu liên tục.
Ngột ngạt
Nhìn lên bầu trời chói chang, ông Hùng giơ tay lau mồ hôi trên mặt và cho biết nắng nóng kéo dài khiến ông rất lo lắng. Theo người tài xế, chạy xe dưới nắng gắt khiến ông thường xuyên bị mất sức. Để chống chọi, ông phải mặc thêm áo, mang bao tay, đeo kính mát và đặc biệt là uống nhiều nước.
Không chỉ ông Hùng, chịu trận trước thời tiết là tình cảnh chung của người dân thành phố, đặc biệt với những ai di chuyển hoặc làm việc ngoài trời. Ghi nhận trong những ngày qua, nắng nóng liên tục xuất hiện, nhiệt độ dao động trong khoảng từ 36-37 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ thực tế mà người dân cảm nhận có thể vượt con số này.
Chị Huỳnh Thị Bảo Phương (quận Phú Nhuận) cho hay khi ra đường, dù chỉ mới khoảng 8 giờ sáng nhưng thấy rõ sự oi bức đến ngột ngạt. Tới giữa trưa, tuy mặc áo khoác dày nhưng vẫn cảm thấy hơi nóng hừng hực hắt vào người.
"Tôi thường bị say nắng mỗi khi đi ngoài trời, nhất là buổi trưa. Còn sau giấc ngủ trưa trở dậy thì mệt mỏi, đau đầu ập tới" - chị Phương cho hay.
Nắng nóng bắt đầu từ những ngày trong Tết Nguyên đán, kéo dài cho đến nay và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Người dân khá bất ngờ vì diễn biến thời tiết khác mọi năm như vậy.
"Khi nắng nóng kéo dài, thời tiết ít mưa, hiện tượng bốc hơi tăng mạnh làm cho nước tại các kênh rạch bị cạn, từ đó dẫn đến gia tăng nguy cơ sụt lún đất. Người dân đồng bằng sông Cửu Long cần có biện pháp canh tác phù hợp, phòng tránh hạn hán, xâm nhập mặn, chăm bón, thu hoạch hợp lý.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mùa nắng nóng năm 2024 khả năng đến sớm và mức độ nắng nóng gay gắt không thua kém năm 2023. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối trong mùa nắng ở các tỉnh miền Đông có thể đến 40 độ C.
Trong khi khu vực Đông Nam Bộ "toát mồ hôi" thì đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo xâm nhập mặn tại ĐBSCL trong mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Độ mặn xâm nhập sâu trong sông, kênh rạch sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Cũng theo đơn vị này, tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương trong vùng cần cập nhật kịp thời những thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.
Cẩn trọng khi ra đường
Ông Lê Đình Quyết, Trưởng Phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, xác nhận từ đầu tháng 2 đến nay nắng nóng xuất hiện liên tiếp tại các địa phương Đông Nam Bộ, trong đó có TP HCM. Đây được coi là đợt nắng nóng diện rộng và kéo dài hiếm gặp, có thể nói là bất thường.
Ông Quyết cho biết nguyên nhân là nước ta chịu tác động của hiện tượng El Nino. Hiện tượng này tác động đến thời tiết, khí hậu Việt Nam làm xu thế nhiệt và số ngày nắng nóng tăng; khô hạn thường kéo dài. Cạnh đó là diễn biến khí hậu phức tạp, khu vực Nam Bộ chịu tác động chung của xu thế biến đổi khí hậu toàn cầu.
"Gây nắng nóng ở Nam Bộ chủ yếu do áp thấp nóng phía Tây hoặc do áp cao Tây Thái Bình Dương, hoặc do tổ hợp hai hình thế thời tiết này tác động. Nắng nóng gay gắt hoặc đặc biệt gay gắt thường xuất hiện ở Biên Hòa (Đồng Nai), Đồng Xoài (Bình Phước), Bình Dương, các quận trung tâm TP HCM. Nắng nóng thường diễn ra các năm có El Nino hoạt động mạnh và rơi vào tổ hợp 2 hệ thống thời tiết đề cập ở trên" - ông Quyết phân tích.
Theo ông Lê Đình Quyết, mức nắng nóng càng cao, càng kéo dài thì tác động càng xấu, càng gây hại tới sức khỏe con người, cây trồng, vật nuôi. Trong đó dễ gây sốc nhiệt, cảm nắng, say nắng, các bệnh về hô hấp. Vì thế, người dân mỗi khi ra đường cần cẩn trọng trong các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe.
Cũng theo Trưởng Phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, thời gian tới, hiện tượng này vẫn tiếp diễn, mưa ít xảy ra dẫn tới khô hạn, thiếu hụt nguồn nước…
Có thể tháng 5 mới kết thúc
Trong chiều và tối 27-2, TP HCM xuất hiện mưa rào sau gần 20 ngày liên tiếp không mưa và giúp cho cường độ nắng nóng của khu vực giảm nhẹ. Tuy nhiên, "mưa vàng" này cũng chưa thể giúp TP HCM kết thúc chuỗi ngày nắng nóng.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo từ tháng 3 đến tháng 5 nắng nóng còn tiếp tục tại Nam Bộ. Trong đó, sẽ xuất hiện những ngày có nhiệt độ 38-39 độ C, thậm chí cao hơn. Nắng nóng tập trung ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, TP HCM, Tây Ninh và một số tỉnh Tây Nam Bộ.
Cũng theo đơn vị này, mùa mưa tại Nam Bộ bắt đầu vào khoảng giữa tháng 5. Do đó từ nửa cuối tháng 5 nắng nóng sẽ giảm dần. Sau đó, một vài địa phương thỉnh thoảng có nhiệt độ từ 35-36 độ C, rồi nắng nóng chấm dứt.
Bình luận (0)