Đến thăm Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa (xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội), tôi cảm nhận được không khí hăng say lao động và gắn kết như một gia đình, cho dù nơi đây chủ yếu là người khuyết tật (NKT) đến từ nhiều vùng miền. Họ xem bà Đoàn Thị Hoa (SN 1961), giám đốc trung tâm, như người mẹ thứ hai khi giúp họ có cuộc sống mới, tự tin để hòa nhập.
Không buông xuôi
Bà Hoa kể năm 2005, trong một lần đi cùng đoàn Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội đến thăm một cô nhi viện ở miền Nam (nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật), trong lúc tặng quà có một cháu gái ngồi ở ghế đá trông rất buồn. Bà hỏi đoàn đến tặng quà mà sao con buồn, cô bé nói: "Rất cảm ơn đoàn đến thăm và tặng quà nhưng chúng cháu ước mơ có một nghề để tự lập".
Từ câu nói ấy, bà Hoa mang ý tưởng thành lập trung tâm dạy nghề cho NKT trao đổi với nhiều người nhưng chỉ nhận được sự ủng hộ miệng, còn về tài chính bà phải tự xoay xở. Do đó, bà quyết định dùng chính mảnh đất của gia đình để xây dựng xưởng dạy nghề.
Suốt gần 2 năm vay mượn ngược xuôi, xin trợ cấp từ chính quyền, đến ngày 28-8-2007, Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa chính thức được thành lập, với 2 dãy nhà xưởng và nhà ở cho học viên nội trú, có 10 máy may, 1 máy vắt sổ, 1 máy dập khuy và đón 15 học viên là khuyết tật vận động, thiểu năng trí tuệ, khiếm thính, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn đầu tiên vào học.
Bước đầu, không chỉ nghề may, bà Hoa còn tìm hiểu các nghề làm vàng mã, dệt thảm... để dạy cho học viên. Dần dần, bà chọn được nghề tranh giấy cuộn cho học viên và đây là nghề chính của trung tâm hiện nay, với các sản phẩm chính như: thiệp, tranh giấy, con giống giấy, lọ hoa, móc len, hoa giấy... và đã xuất hiện tại các điểm du lịch tại phố cổ Hà Nội, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Hội An (tỉnh Quảng Nam)...
Có thời điểm trung tâm rơi vào khó khăn tưởng chừng như phải buông xuôi, song bà Hoa đã quyết tâm duy trì bằng được. Bởi với nhiều em, nơi đây là niềm hy vọng duy nhất về cuộc sống. Bà bàn với chồng bán mảnh đất vườn để vượt qua khó khăn và được đồng ý, cho dù biết nếu để miếng đất đó sau này bán rất được giá. Đến nay bà Hoa đã 2 lần cắt mảnh vườn bán lấy tiền trang trải để trung tâm tồn tại.
Mái ấm tình người
Dạy nghề cho người bình thường đã khó, dạy cho NKT còn khó hơn rất nhiều, nếu không kiên trì thì không thể làm được. "Với nhiều trẻ khuyết tật, các em khó tiếp thu nhanh, khá nhạy cảm và lẳng lặng làm theo bản năng. Vì vậy, phải đối xử các em như con của mình thì mới kiên trì dạy dỗ thành nghề được" - bà Hoa tâm sự.
Em Vũ Thùy Trang, học viên tại trung tâm, cho biết mới vào trung tâm còn rụt rè, sau khi tiếp xúc nhiều với bà Hoa và mọi người, em đã hòa đồng hơn. Trang xem bà như người mẹ thứ 2 của mình, từ bữa cơm đến giấc ngủ bà đều quan tâm, săn sóc. "Trung tâm còn có những tình nguyện viên đến mở lớp học tiếng Anh cho chúng em, đến giờ em đã có thu nhập ổn định từ nghề giấy cuộn" - Trang nói.
Không chỉ là người hỗ trợ nơi ăn ở, dạy nghề miễn phí, bà Hoa còn se duyên cho 38 đôi tại trung tâm đến với nhau. Bà Hoa cho hay có 10 đôi yêu nhau thì 9 đôi gia đình phản đối vì sợ thế hệ sau sinh ra sẽ bị khuyết tật không giống bố thì cũng giống mẹ. Nhưng bà đã thuyết phục gia đình để họ đến với nhau, xây dựng tổ ấm riêng. "Hạnh phúc khi thấy các em lập gia đình nhỏ, cho dù cả bố mẹ khuyết tật nhưng sinh con ra đều bình thường, có cuộc sống ổn định" - bà Hoa tâm sự.
Bà nhớ nhất cặp đôi Nguyễn Văn Hùng (quê ở Hà Nam) và Nguyễn Thị Huyền (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Hùng bị liệt nửa người, bố mẹ ly hôn, đến trung tâm năm 2007. Ngày cưới, bà Hoa phải đóng vai mẹ đẻ chú rể. Đến nay cặp đôi Hùng - Huyền đã có cháu nhỏ xinh xắn và cuộc sống ổn định. Hình ảnh của mỗi học viên đều được bà chụp lại và treo tại trung tâm, để tạo thêm động lực phấn đấu cho học viên mới.
Hiện trung tâm đang dạy nghề cho hơn 50 người, 30 người ở nội trú còn lại là bán trú. Bà mong muốn sau này xây dựng trung tâm khang trang hơn và đón nhiều em không may mắn về đây học nghề để có công việc, thu nhập ổn định.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)