xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NÂNG BƯỚC NGƯỜI LAO ĐỘNG: Người thợ cả tận tâm

Phan Văn Kỷ (Công ty TNHH Lập Phúc; quận 7, TP HCM)

Không chỉ khởi nghiệp thành công, ông Nguyễn Văn Trí - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc (quận 7, TP HCM) - còn hết lòng truyền đạt kiến thức, kỹ năng nghề cho thợ trẻ

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp 4, ngành chế tạo máy, tôi đầu quân cho Công ty TNHH Lập Phúc. Đây cũng là thời điểm công ty thành lập trên cơ sở một xưởng sản xuất nhỏ. May mắn được đồng hành trong chặng đường phát triển của doanh nghiệp (DN), càng gắn bó, tôi càng nể phục chí cầu tiến của người thợ yêu nghề, người thầy luôn hết lòng với thợ trẻ. Người tôi nhắc đến là ông Nguyễn Văn Trí, Tổng Giám đốc công ty.

Học mọi lúc mọi nơi

Theo lời kể của chú Trí, ông vốn sinh ra trong một gia đình gốc nông dân ở Huế, có 10 anh em, năm lên 6 tuổi thì di cư vào TP HCM. Ngày đất nước thống nhất cũng là lúc ông tốt nghiệp ngành cơ khí Trường Trung học Kỹ thuật Việt - Đức (nay là Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM).

Để có tiền phụ giúp ba mẹ nuôi em, năm 1976, ông đầu quân cho Công ty Máy Nông nghiệp Miền Nam (VIKYNO), cách nhà gần 40 km. Dù khoảng cách từ nhà đến công ty khá xa nhưng ông không bỏ một ngày giờ công nào. Tận dụng thời gian rỗi khi đi - về bằng xe buýt, ông nghiên cứu đủ các loại sách liên quan đến cơ khí. 

Chăm chỉ, ham học hỏi nên từ công nhân (CN), ông Trí được cất nhắc lên quản đốc xưởng. Gắn bó được 18 năm thì ông Trí buộc phải "nghỉ hưu non" do công ty gặp khó khăn, phải tinh giảm biên chế hàng loạt. Chẳng ai ngờ chỉ 30 năm sau, chàng trai trẻ mất việc lại trở thành ông chủ DN triệu đô, tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 200 lao động.

NÂNG BƯỚC NGƯỜI LAO ĐỘNG: Người thợ cả tận tâm- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Trí (bên trái) luôn hết lòng truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho thợ trẻ. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Quãng thời gian ở công ty cũ, nhờ làm việc trực tiếp với các chuyên gia kỹ thuật người Nhật nên ông Trí học hỏi được rất nhiều điều, nhất là tác phong công nghiệp. Mỗi ngày, sau giờ làm việc, ông còn nhận sửa chữa các khuôn mẫu nhựa gia dụng cho những gia đình người Hoa ở gần nhà. Vì vậy, vừa nghỉ việc ở VIKYNO, ý tưởng khởi nghiệp từ nghề gia công khuôn mẫu chính xác đã lóe lên trong đầu ông. 

"Vì sao chú lại chọn nghề gia công khuôn mẫu vào thời điểm đó trong khi đây là lĩnh vực người Hoa chiếm ưu thế?" - tôi hỏi. Chú Trí chỉ cười trừ trả lời: "Sản xuất bằng kinh nghiệm và công nghệ cũ sẽ dần nhường sân cho cái mới, do vậy tôi quyết định tìm hướng đi riêng cho công ty, có như vậy mới có thể vươn xa. Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng".

Biến ý tưởng thành hành động, năm 1993, ông vay mượn 120.000 USD từ người thân, bạn bè nhập về một máy phay CNC từ Đài Loan (Trung Quốc) - một trong những máy phay hiện đại đầu tiên ở Việt Nam thời điểm đó. Cùng năm đó, cơ sở sản xuất cơ khí khuôn mẫu chính xác Lập Phúc ra đời. 

Nhận thấy người Hoa chủ yếu sản xuất khuôn mẫu đồ gia dụng, nếu nhảy vào lĩnh vực này thì rất khó cạnh tranh sòng phẳng. Để tạo lợi thế cạnh tranh, ông quyết định gia công khuôn sản xuất đồng hồ, quạt máy. Thời gian đầu, khi chưa có khách hàng, ông Trí cũng nhận sửa chữa khuôn mẫu để có thêm chi phí hoạt động. Tay nghề cao của ông khiến khách hàng rất hài lòng, tiến tới đặt làm khuôn. 

Chính những bước đi táo bạo này đã giúp ông gặt hái được thành công bước đầu. Đơn hàng lớn đầu tiên Lập Phúc nhận được là Gimiko - một trong những thương hiệu đồng hồ treo tường nổi tiếng của Việt Nam. Với hướng đi này, chỉ sau 3 năm, ông trả hết khoản nợ vay. Năm 2002, cơ sở sản xuất của ông Trí phát triển thành công ty.

Không ngừng vươn xa

Tạo được tiếng vang với thị trường trong nước, ông Trí nhen nhóm ý định "đem chuông đi đánh xứ người". Tuy nhiên, con đường đưa sản phẩm ra quốc tế của ông không hề bằng phẳng.

Thực tế, công ty luôn phải cạnh tranh gay gắt với các DN Trung Quốc, vốn là anh cả trong ngành khuôn mẫu. Bởi lẽ, khi ông Trí mới bắt đầu khởi nghiệp thì các nhà máy của Trung Quốc đã xây dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, muốn chen chân vào được là rất khó. Bài toán kinh tế được đặt ra lúc bấy giờ là làm sao để vốn ít nhưng vẫn tạo ra sản phẩm chất lượng và cạnh tranh được với hàng Trung Quốc? 

Đáp số là sản phẩm phải có giá thành rẻ hơn và đạt chất lượng cao. Từ trăn trở ấy, ông Trí quyết định nhập một số máy móc từ Nhật Bản về để cải tiến và đưa vào quy trình sản xuất. Với những điều chỉnh phù hợp trong quy trình sản xuất, công ty đã giảm được chi phí đầu tư cho máy móc, đồng thời hạ giá thành sản phẩm.

Sau đợt cải tiến dây chuyền sản xuất, công ty liên tục có nhiều đơn hàng và một trong số đó là một DN nổi tiếng ở Nhật Bản. Lô hàng đầu tiên được xuất đi, cả chủ lẫn thợ đều vui mừng khôn xiết. Tiếng lành đồn xa, nhiều khách hàng lớn tiếp theo tìm đến Lập Phúc như Sanyo, Panasonic, Fujikura, Omron…

Bước ngoặt đáng nhớ là năm 2005, khi công ty được vay 6 tỉ đồng từ vốn kích cầu của thành phố để phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn này, ông Trí mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất khuôn mẫu của châu Âu, chủ yếu từ Thụy Sĩ, Đức để hiện đại hóa dây chuyền sản xuất. Việc liên tục đổi mới công nghệ khiến chất lượng sản phẩm của công ty ngày càng được khách hàng đánh giá cao, từng bước khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường. 

Năm 2016, tiếp tục được vay vốn kích cầu 40 tỉ đồng, công ty đã đầu tư thêm nhiều máy móc, xây nhà xưởng đạt chuẩn để chính thức sản xuất khuôn mẫu cho các hãng xe hơi. Sau đợt cải tiến lần thứ 3, hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như Colgate, Whirlpool, Tesla, GM Motor… lần lượt trở thành đối tác chiến lược của công ty. Sau gần 30 năm, xưởng cơ khí nhỏ giờ đây trở thành công ty đạt doanh thu xuất khẩu 4 triệu USD mỗi năm, trong đó thị trường Mỹ chiếm 60%. 

Truyền lửa cho thợ trẻ

Ở độ tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng ông Trí luôn là tận tâm với nghề. Dù là lãnh đạo DN nhưng mỗi ngày, ông vẫn dành thời gian xuống xưởng với anh em CN. Xuất thân từ CN nên hơn ai hết, ông hiểu rằng chỉ có giỏi nghề thì người thợ mới trụ vững lâu dài và ổn định việc làm, thu nhập. Những khiếm khuyết về tay nghề của từng người được ông chỉ bảo cặn kẽ với sự tận tâm. Dưới sự hướng dẫn tận tình của ông, nhiều CN trưởng thành vượt bậc về tay nghề, trở thành nhân sự quản lý tại DN.

NÂNG BƯỚC NGƯỜI LAO ĐỘNG: Người thợ cả tận tâm- Ảnh 2.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

NÂNG BƯỚC NGƯỜI LAO ĐỘNG: Người thợ cả tận tâm- Ảnh 3.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo