Theo ước tính của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), có khoảng 272 triệu người di cư trên toàn thế giới vào năm 2019, chiếm 3,5% tổng dân số thế giới và khoảng 2/3 trong số đó là lao động nhập cư. Việc bảo đảm quyền công bằng cho người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) phụ thuộc vào nhiều điều kiện (kinh tế, chính trị, pháp lý, văn hóa) ở nước sở tại và nước xuất xứ của người lao động (NLĐ). Hiện hầu hết các nước đều có luật pháp, chính sách trực tiếp hoặc gián tiếp giải quyết vấn đề di cư, tìm kiếm việc làm ở nước ngoài.
Nhiều trở ngại
Khung pháp lý hiện hành của Việt Nam đối với người đi XKLĐ chỉ áp dụng đối với lao động nước ta đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (di cư hợp pháp), chưa có quy định cho những người đi làm việc bất hợp pháp (không có giấy tờ). Các nhóm này được bảo vệ bởi pháp lý chung của Việt Nam trong một số lĩnh vực nhưng chưa đủ điều kiện để được bảo vệ.
Một số văn bản pháp luật về di cư lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn hạn chế khả năng bảo đảm quyền lợi của người đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp. Ví dụ, đối tượng khiếu nại trong trường hợp nào đó không được quy định trong luật nên quyền khiếu nại hầu như không được áp dụng đối với NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và họ thường bị thiệt thòi.
Các cá nhân, tổ chức có liên quan đến người Việt Nam đi XKLĐ cũng bộc lộ những bất cập trong việc tuân thủ pháp luật. Một số hạn chế này là do cơ chế tổ chức và thực thi pháp luật. Tính nghiêm ngặt vẫn còn thiếu, công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật còn lỏng lẻo. Số lượng ban quản lý lao động Việt Nam trong nước và khu vực còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu bảo vệ quyền tiếp cận lao động của người đi XKLĐ. Cơ chế phối hợp giữa cơ quan đại diện và nước sở tại vẫn là thách thức đối với việc bảo vệ NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trong những năm gần đây, các quốc gia thành viên của ILO và các tổ chức IMO tiếp nhận NLĐ di cư đã đạt được một số tiến bộ trong việc cải thiện khả năng tiếp cận công lý cho người đi XKLĐ. Song trên thực tế, người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nói chung, trong đó có lao động Việt Nam, vẫn gặp nhiều trở ngại lớn trong việc nộp đơn và giải quyết khiếu nại như: sợ bị trả thù, bị cản trở về thị thực hoặc giấy phép lao động, sợ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Vì vậy, người Việt Nam đi XKLĐ hiếm khi dám khiếu nại với người sử dụng lao động ở nước sở tại, trừ khi các quyền cơ bản của họ bị đe dọa rõ ràng. Hơn nữa, các tổ chức quốc tế thiếu các phương tiện hiệu quả để người đi XKLĐ báo cáo các vụ việc lạm dụng, lao động cưỡng bức và buôn người.
Bảo đảm quyền con người
Theo tôi, các luật cụ thể về quyền công lý của người Việt Nam đi XKLĐ cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung các quy định và biện pháp xử phạt, hỗ trợ NLĐ làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Các cá nhân, tổ chức liên quan việc đưa người đi XKLĐ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi trước pháp luật cho họ. Phạm vi điều chỉnh cũng cần được mở rộng đối với NLĐ Việt Nam đi làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài nhằm bảo đảm quyền con người nói chung.
Ngoài ra, Chính phủ cần xây dựng khung pháp lý để làm rõ và hướng dẫn thi hành các luật, trong đó có các điều khoản bảo đảm quyền con người nói chung và quyền tiếp cận công lý của người đi XKLĐ nói riêng. Bên cạnh đó, quy định cụ thể về giáo dục định hướng, cơ chế khiếu nại, báo cáo và trách nhiệm của cơ quan chức năng cũng là những biện pháp cần thiết. Các cơ quan có thẩm quyền, bao gồm cả chính quyền địa phương, sẽ kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, công ty đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Việt Nam cũng cần khẩn trương gia nhập Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của NLĐ di cư và gia đình họ (1990) và Công ước 97, 143 của ILO về lao động di cư. Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về lĩnh vực này và tạo cơ sở pháp lý quốc tế để bảo vệ quyền lợi của người đi XKLĐ. Hiện Việt Nam tham gia hầu hết các văn kiện quốc tế cơ bản về nhân quyền và về bảo vệ nhân quyền. Tuy nhiên, việc tham gia một hiệp ước trực tiếp giải quyết các vấn đề của NLĐ nhập cư vẫn đang được xem xét.
Vì vậy, để bảo đảm công bằng cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, Việt Nam cần cân nhắc khi đồng ý với các công ước trên và có những đóng góp tích cực, chủ động, thiết thực cho NLĐ; khuyến khích các tổ chức trong nước và quốc tế thiết lập các kênh hiệu quả để giúp NLĐ di cư gửi khiếu nại một cách dễ dàng và an toàn, nhất là trong các trường hợp bị nghi ngờ lạm dụng, cưỡng bức lao động hoặc buôn bán người.
Ngoài ra, cần thiết lập sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các khuôn khổ luật lao động và hình sự quốc tế để ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền tiếp cận tư pháp cũng như xác định và đưa thủ phạm ra trước công lý.
Bình luận (0)