Hiện hoạt động tuyển dụng NLĐ ra nước ngoài làm việc được thực hiện qua nhiều hình thức, bao gồm cả các công ty môi giới lao động và các tổ chức phi chính phủ. Song thực trạng tuyển dụng lại tồn tại nhiều bất cập. Một số công ty môi giới không tuân thủ các quy định pháp luật, thiếu minh bạch trong quá trình tuyển dụng, dẫn đến tình trạng lừa đảo, NLĐ bị mất tiền và không được bảo vệ quyền lợi.
Đào tạo và chuẩn bị cho NLĐ trước khi ra nước ngoài làm việc là yếu tố quan trọng để bảo đảm họ có thể thích nghi và làm việc hiệu quả. Nhưng nhiều chương trình đào tạo hiện nay còn thiếu chuyên nghiệp, không đáp ứng được nhu cầu thực tế của NLĐ, nhất là yêu cầu của các nhà tuyển dụng nước ngoài. Điều này dẫn đến tình trạng NLĐ không đủ kỹ năng, gặp nhiều khó khăn khi làm việc ở môi trường mới.
Minh bạch trong quá trình tuyển dụng là yếu tố then chốt để bảo đảm quyền lợi của NLĐ. Các công ty môi giới cần cung cấp đầy đủ thông tin về công việc, mức lương, điều kiện làm việc và các chi phí liên quan. Đồng thời, phải có biện pháp giám sát chặt chẽ từ các tổ chức liên quan để bảo đảm các công ty này tuân thủ đúng quy định.
Để người NLĐ làm việc hiệu quả ở nước ngoài, các chương trình đào tạo cần được thiết kế phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động quốc tế, trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết cho họ. Do vậy, việc giám sát và bảo vệ quyền lợi NLĐ là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan chức năng để bảo đảm các công ty môi giới và các nhà tuyển dụng tuân thủ đúng quy định pháp luật; xây dựng các chính sách bảo vệ NLĐ, nhất là trong trường hợp họ bị xâm phạm quyền lợi hoặc gặp khó khăn khi làm việc ở nước ngoài.
Một khung pháp lý hoàn thiện là nền tảng để bảo đảm tính minh bạch và công bằng trong hoạt động tuyển dụng và đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc. Chính phủ cần rà soát và sửa đổi các quy định phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, cần bao quát toàn bộ quá trình tuyển dụng, đào tạo, tổ chức đưa NLĐ ra nước ngoài và có các biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, các tổ chức giáo dục cần đầu tư các chương trình đào tạo chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động quốc tế. Các chương trình này ngoài đào tạo chuyên môn, kỹ năng mềm, kiến thức văn hóa, pháp luật và phong tục tập quán của các nước tiếp nhận lao động, cần nâng cao nhận thức của NLĐ về quyền lợi và nghĩa vụ khi làm việc ở nước ngoài. Qua đó, giúp họ có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình và tránh bị lừa đảo, lợi dụng.
Hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả của hoạt động đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ Việt Nam có cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế, bảo đảm quyền lợi của họ được bảo vệ. Ngoài ra, cần có các cơ quan giám sát độc lập, đủ thẩm quyền và năng lực để kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty môi giới và các nhà tuyển dụng; phát triển các kênh thông tin để NLĐ có thể dễ dàng phản ánh, khiếu nại khi gặp các vấn đề trong quá trình làm việc ở nước ngoài.
Lành mạnh hóa hoạt động tuyển dụng, đào tạo và tổ chức đưa người ra nước ngoài làm việc không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là của toàn xã hội. Để đạt được hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các tổ chức giáo dục, công ty môi giới và NLĐ. Qua đó, bảo đảm tính minh bạch, công bằng và hiệu quả của quá trình này, đồng thời mang lại lợi ích thiết thực cho NLĐ và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
THỂ LỆ
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)