Sau 3 năm giam mình trong nhà quá bức bách, anh Tích nghiên cứu và tự chế cho riêng mình chiếc xe lăn bằng điện nhưng cũng chỉ tạm hài lòng. Mất nhiều năm mày mò, thiết kế mạch điện, lắp pin... anh đã có sản phẩm ưng ý vào năm 2015 với giá thành khoảng 12 triệu đồng (rẻ hơn 7 triệu đồng so với thị trường thời điểm đó). Chiếc xe có ưu điểm phần đầu kéo riêng, chỉ tháo lắp trong 10 giây và chở được 150 kg, di chuyển 70 km mới sạc pin.
Từ thành công đó, anh Tích đã đầu tư sản xuất xe lăn đầu kéo bằng điện để kinh doanh có giá thành thấp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật (NKT). Anh đưa sản phẩm lên mạng xã hội và được cộng đồng NKT đón nhận nồng nhiệt. Anh Phạm Ngọc Bộ, một NKT ở Hòa Bình, cho biết: "Từ lúc có xe lăn đầu kéo tôi có thể tự đi chợ, đi làm cách nhà 10 km không phải nhờ ai, nên rất phấn khởi".
Đến nay, sản phẩm đã được anh cải tiến với nhiều ưu điểm, đa dạng mẫu mã (3, 4 bánh) để NKT sử dụng, như: có bàn làm việc, ghế để NKT tự di chuyển lên xe 4 bánh, xe lăn điện bán hàng rong, giao hàng, vận chuyển kho bãi, xe thu hoạch nông sản, phương tiện hỗ trợ di chuyển cho người già - NKT... "Xe điện 3-4 bánh có hệ thống ghế tự động, người liệt như tôi có thể chuyển từ xe lăn sang ghế lái dễ dàng. Tất cả hệ thống đều được điều khiển tự động" - anh Tích nói.
Sản phẩm xe lăn đầu kéo của anh Tích lần đầu tiên được đặt tên trong cuộc thi "Giải pháp sáng tạo tiếp cận cho khuyết tật SDG Challenge 2019 - xe Etic Tribike. Năm 2020, Etic Tribike của anh đã đoạt giải nhì tại cuộc thi "Sáng kiến vì cộng đồng" lần III.
Được đánh giá là sản phẩm mang hàm lượng chất xám cao và có thể đi đăng ký sở hữu trí tuệ, song anh Tích không màng nhiều đến chuyện lợi nhuận. Anh cho biết nếu có đơn vị nào khác làm ra xe lăn đầu kéo và bán với giá ưu đãi cho NKT, anh sẵn sàng giúp họ về kỹ thuật.
Hiện có hàng trăm xe lăn đầu kéo Etic Tribike đã có mặt trên gần 20 tỉnh, thành. Anh Tích đã thành lập Công ty TNHH MTV NKT tỉnh Hòa Bình và nhận 5 NKT vào làm việc, với thu nhập 8 - 9 triệu đồng/tháng. Anh Tạ Quang Minh (phường Tân Hòa, TP Hòa Bình) cho biết đã làm với anh Tích hơn 3 năm và rất khâm phục ý chí của người chủ khuyết tật này. "Ngoài tạo việc làm, truyền dạy kiến thức, anh còn thường xuyên quan tâm đến đời sống của chúng tôi, hễ ai khó khăn anh sẵn sàng giúp đỡ" - anh Minh bày tỏ.
Theo anh Tích, nhu cầu về xe lăn điện trên thị trường còn khá lớn nhưng anh chỉ sản xuất phục vụ cộng đồng. Vì vậy, trong tương lai sẽ thành lập một trung tâm sống và dạy nghề cho NKT, anh mong muốn sẽ được các tổ chức hoặc doanh nghiệp hỗ trợ vốn phát triển sản xuất.
Với nỗ lực vươn lên và góp ích cho xã hội, anh Lê Huy Tích vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2022.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)