xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nâng chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh

MINH CHIẾN

Quảng Ninh 7 lần liên tiếp dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong khi Đồng Tháp 16 năm liên tục lọt vào tốp 5

Ngày 9-5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023. Năm nay, VCCI chỉ công bố kết quả PCI của tốp 30 thay vì 63 tỉnh, thành phố như mọi năm nhằm "giảm áp lực cho các địa phương".

Long An thăng hạng vượt bậc

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, tỉnh Quảng Ninh - quán quân PCI năm 2023 - tiếp tục ghi dấu ấn rõ rệt với nỗ lực giảm thiểu gánh nặng hành chính và triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Trong đó, chỉ số hỗ trợ DN của tỉnh này đạt 7,72 điểm - đứng thứ 2 toàn quốc và nỗ lực giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho DN đứng thứ 3.

Đáng chú ý, tỉnh Long An thăng hạng vượt bậc khi vươn lên vị trí số 2 cả nước với 70,94 điểm - tăng 8 bậc trong bảng xếp hạng PCI. "Các DN đánh giá cao tỉnh Long An về nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức, đồng thời ghi nhận tính năng động, tiên phong của chính quyền" - ông Đậu Anh Tuấn thông tin.

Các vị trí tiếp theo trong tốp 5 PCI lần lượt là TP Hải Phòng, tỉnh Bắc Giang và Đồng Tháp. Với kết quả này, tỉnh Đồng Tháp 16 năm liên tiếp lọt nhóm 5 địa phương có chỉ số PCI tốt.

Tỉnh Long An vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023. Trong ảnh: Người dân Long An quét mã QR tra cứu thủ tục hành chính Ảnh: HÀ LONG

Tỉnh Long An vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023. Trong ảnh: Người dân Long An quét mã QR tra cứu thủ tục hành chính Ảnh: HÀ LONG

Đối với tốp 10 PCI, tỉnh Phú Thọ là "gương mặt mới" khi lần đầu tiên vươn lên nhóm tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế dẫn đầu cả nước. Địa phương vùng núi trung du Bắc Bộ này nhận được sự ghi nhận của DN về chất lượng đào tạo lao động. Trong khi đó, 2 thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội đứng ở vị trí khá khiêm tốn trong bảng xếp hạng PCI, lần lượt xếp thứ 27 và 28.

Ông Đậu Anh Tuấn nhận xét chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh nhìn chung có sự cải thiện song vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn, tỉ lệ DN cho biết phải trả chi phí không chính thức tiếp tục chiều hướng giảm song có dấu hiệu tăng ở một số lĩnh vực, như đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, dù gánh nặng thanh - kiểm tra được đánh giá có sự cải thiện nhưng tỉ lệ DN cho biết nội dung thanh - kiểm tra bị trùng lặp tăng nhẹ từ mức 6,7% năm 2022 lên 8,5% vào năm 2023.

Ngoài ra, trở ngại trong tiếp cận đất đai tiếp tục gia tăng, đòi hỏi cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới. "Gần 73% DN cho biết phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai" - ông Đậu Anh Tuấn lo ngại.

Nhấn mạnh tỉ lệ DN có kế hoạch mở rộng hoạt động trong thời gian tới ở mức thấp, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, góp ý các địa phương cần triển khai thực chất hơn nữa các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí... Bởi lẽ, trong bối cảnh tình hình thế giới biến động và bất định, DN hơn lúc nào hết cần sự ổn định, nhất quán và tin cậy trong xây dựng, thực thi chính sách.

Thúc đẩy tăng trưởng xanh

Năm nay là năm thứ hai VCCI công bố chỉ số PGI. Bộ chỉ số này nhằm hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố quản trị môi trường, cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giữ gìn môi trường bền vững.

Tốp 5 địa phương dẫn đầu chỉ số PGI lần lượt là tỉnh Quảng Ninh, TP Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Hưng Yên và TP HCM. Đáng chú ý trong nhóm này là tỉnh Hưng Yên khi tăng 10 bậc chỉ số PGI so với năm 2022.

Ông Trần Quốc Văn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên - nhấn mạnh tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là mục tiêu rất quan trọng nên thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để cải thiện chỉ số PGI. Trong đó, vấn đề bảo vệ môi trường tại các KCN luôn được tỉnh đặt lên hàng đầu, nhất là chú trọng các phương án về xử lý nước thải, chất thải, giảm ô nhiễm... khi kêu gọi đầu tư. "Địa phương đã hỗ trợ tích cực cho DN tham gia tốt hơn vào việc chuyển đổi xanh, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế" - ông Trần Quốc Văn khẳng định.

Ông Edmund Malesky, Giám đốc nghiên cứu Dự án Sáng kiến PGI, cho biết chỉ số PGI được đánh giá thông qua 4 chỉ số thành phần chính, gồm: chính sách giảm thiểu ô nhiễm môi trường và rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn về môi trường; thúc đẩy thực hành xanh; chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ DN bảo vệ môi trường.

Theo ông Edmund Malesky, các địa phương đang nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng cường hợp tác chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, Chính phủ và các tổ chức quốc tế cũng hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật cho các địa phương trong thực hiện chuyển đổi xanh để cải thiện hạn chế về nguồn lực. Tuy nhiên, cần thay đổi hành vi của người tiêu dùng với yêu cầu cao hơn về sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, từ đó tạo động lực thay đổi hoạt động sản xuất của DN.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng môi trường đầu tư - kinh doanh tốt không chỉ thể hiện ở sự thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng về thủ tục mà còn phải thân thiện với môi trường, theo hướng bền vững. "Với việc xây dựng và công bố chỉ số PGI, VCCI mong muốn các địa phương tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh mạnh mẽ, đồng thời quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường" - Chủ tịch VCCI bày tỏ. 

Ông LƯU CÔNG THÀNH, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ninh:

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Thời gian qua, tại các buổi cà phê doanh nhân, bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Quảng Ninh đã dành thời gian lắng nghe, tiếp nhận phản ánh về khó khăn, vướng mắc nhằm kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng DN.

Tuy nhiên, hiện nay, việc tiếp cận đất đai của DN vừa và nhỏ đang gặp khó khăn, thủ tục kéo dài gây tổn thất chi phí. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh quan tâm hơn nữa đến DN vừa và nhỏ để nhóm này có điều kiện tiếp cận đất đai cũng như các chính sách đầu tư khác. Ngoài ra, DN vừa và nhỏ kỳ vọng địa phương tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo lập được môi trường bình đẳng nhất.

Ông PHẠM THIỆN NGHĨA, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp:

Đồng hành với doanh nghiệp

16 năm liên tiếp lọt vào nhóm 5 địa phương có chỉ số PCI tốt của cả nước đã tạo được niềm tin lớn cho cộng đồng DN đối với môi trường đầu tư - kinh doanh của tỉnh Đồng Tháp, đồng thời cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục duy trì và cải thiện thứ hạng.

Trong nhiều năm qua, tỉnh đã kiên trì trong cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, triển khai nhiều sáng kiến lấy DN làm trung tâm. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tạo môi trường bình đẳng cho các thành phần kinh tế phát triển.

Mỗi giai đoạn đều có những khó khăn, thuận lợi riêng nhưng khi đã xác định đồng hành với DN thì phải đồng hành từ những khó khăn, thách thức để cùng vượt qua. Đồng Tháp luôn xác định tỉnh muốn phát triển thì cộng đồng DN phải lớn mạnh. Do đó, việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng.

Kinh nghiệm của địa phương dẫn đầu

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết tỉnh luôn kiên trì với việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Cụ thể, Quảng Ninh xây dựng văn hóa công vụ phục vụ; đồng hành với người dân, DN trở thành việc làm tự nhiên, là bổn phận, là trách nhiệm của cán bộ, công chức với phương châm "cùng thắng, cùng phát triển". Tỉnh cũng mạnh dạn thí điểm các mô hình quản trị mới, phù hợp với điều kiện thực tế để phục vụ người dân, DN.

"Chúng tôi chủ động phản ứng nhanh với chính sách, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm" - ông Cao Tường Huy nêu kinh nghiệm.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện để phát triển kinh tế số và xã hội số, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả việc hỗ trợ DN trong tiếp cận đất đai bình đẳng, tháo gỡ ách tắc, giảm chi phí, giảm rủi ro chính sách...


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo