Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Tài chính cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam ghi nhận tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 21,51 tỉ USD - tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước, cũng là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua. Vốn FDI thực hiện đạt trên 11,7 tỉ USD, tăng 8,1%, cũng là con số rất ấn tượng trong bối cảnh tình hình đầu tư quốc tế có nhiều biến động, thay đổi do ảnh hưởng từ chính sách thuế quan.
Những con số nêu trên thể hiện sức hút của môi trường đầu tư Việt Nam. Yếu tố khách quan thúc đẩy vốn FDI chảy mạnh vào nước ta là sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài, khi các nhà đầu tư từ một số quốc gia tìm kiếm điểm đến mới. Trong đó, Việt Nam đã tận dụng hiệu quả cơ hội này thông qua việc xây dựng các chính sách ổn định và định hướng phát triển đáng tin cậy, trở thành điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư quốc tế.
Không chỉ gia tăng về số lượng vốn FDI, chúng ta còn ghi nhận sự chuyển biến tích cực về cơ cấu và chất lượng đầu tư. Các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn hay các ngành công nghệ tiên tiến đang thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn đa quốc gia, các "đại bàng" trên thế giới.
Có điều, cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang cho thấy sự lệch pha, khi xuất khẩu của khu vực FDI ngày càng chiếm tỉ trọng lớn thì khu vực nội địa lại giảm; lĩnh vực nhập khẩu cũng vậy. Việt Nam được xem là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới nên vị thế của khu vực tư nhân trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế cần được đặc biệt lưu tâm, nhất là khi Mỹ đang áp dụng các biện pháp thuế đối ứng.
Lúc này, bài toán cần giải quyết là làm sao để doanh nghiệp (DN) trong nước tận dụng, lan tỏa và tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu. Một loạt nghị quyết của Bộ Chính trị được nhắc đến gần đây như "bộ tứ trụ cột", trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối DN trong nước với các DN FDI. Thu hút đầu tư nước ngoài là hết sức cần thiết nhưng ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo việc làm…, cần hỗ trợ để DN Việt tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiện tại, khu vực tư nhân Việt Nam vẫn còn một số hạn chế về năng lực, dẫn đến việc hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu chưa thực sự hiệu quả. Gần đây, với tầm nhìn chiến lược và cách tiếp cận bài bản của Đảng, Nhà nước, cùng với những cơ hội từ hội nhập quốc tế qua một loạt hiệp định thương mại tự do, DN trong nước đang có tiềm năng nâng tầm vị thế, hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự lực, tự cường.
Nếu tận dụng tốt xu hướng trên, cùng với những bước đi tích cực, cụ thể hơn nữa, nhiều DN tư nhân Việt Nam sẽ có thể sánh vai cùng DN của các cường quốc trên thế giới; kinh tế Việt Nam sẽ nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Thái Phương ghi
Bình luận (0)