Hội thảo, vinh danh các doanh nghiệp tiêu biểu làm tốt công tác đưa người lao động ra nước ngoài
Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, ham học hỏi cùng với kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn và năng lực của mình, nhiều người trở về nước tự khởi nghiệp. Họ chính là cầu nối đầu tư khi chứng minh cho các doanh nghiệp (DN) nước ngoài về trình độ, tay nghề và khát vọng vươn lên của người lao động (NLĐ) Việt Nam.
Đổi đời nhờ "xuất ngoại"
Đến thôn Hướng Phương, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình hỏi về anh Phan Hồng Chỉnh (43 tuổi), hầu như ai cũng biết, bởi anh lập nghiệp và đổi đời trên chính mảnh đất quê hương khi có nguồn vốn lớn vì tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Hàn Quốc nhiều năm về trước. Thành quả hôm nay anh có là một căn nhà 3 tầng khang trang cùng cơ sở sản xuất đá ốp lớn mang lại nguồn thu nhập ổn định ở vùng quê này.
Anh Chỉnh cho biết năm 2007, vì gia cảnh nghèo khó nên anh quyết định sang Hàn Quốc lao động và làm nghề cơ khí hàn xì. Tại đây, anh có nguồn thu đáng mơ ước khi mỗi tháng từ 35-40 triệu đồng, đây là một số tiền lớn vào thời điểm đó. Khi có tiền, anh gửi về quê xây dựng nhà, sắm xe, phương tiện sinh hoạt cho gia đình. Đến khi tích lũy được vốn, năm 2015 anh trở về quê lập nghiệp và đầu tư mua đất rồi xây dựng cơ sở sản xuất đá ốp... đã mang lại thu nhập ổn định, làm giàu trên chính quê hương của mình.
"Làm ruộng cả năm vất vả, không bằng một tháng đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Nhờ sang nước ngoài làm việc, tôi học hỏi được nhiều thứ, khi sẵn vốn liếng trong tay vợ chồng tôi đã mạnh dạn đầu tư mua bất động sản, xây dựng cơ sở sản xuất đá ốp. Hiện tôi thuê 5 lao động trả mức lương mỗi tháng từ 7 - 10 triệu đồng/người" - anh Chỉnh tâm sự.
Tương tự là trường hợp của anh Nguyễn Văn Uy (33 tuổi, ở huyện Quảng Trạch). Năm 2016, anh sang Nhật Bản lao động theo diện XKLĐ, công việc của anh là làm nghề xây dựng, với mức thu nhập hơn 50 triệu đồng/tháng. Sau nhiều năm tích góp, anh Uy đã có cuộc sống ổn định khi xây dựng xong nhà, lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Sau đó, anh Uy bảo lãnh cho vợ mình sang Nhật Bản cùng làm việc.
Theo anh Uy, hiện công việc của hai vợ chồng bên Nhật Bản khá ổn định, nếu chăm chỉ làm việc, chi tiêu tiết kiệm thì trung bình mỗi tháng cũng dư được trên 70 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập lớn đối với đôi vợ chồng trẻ xuất ngoại như anh. "Hằng tháng tôi đều gửi tiền về nhà để tích góp, khi được số vốn kha khá, vợ chồng tôi sẽ về quê đầu tư kinh doanh gì đó để cuộc sống sau này khấm khá hơn" - anh Uy nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Xuân Sáng (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) đang dự định mở cơ sở sơn sửa ô tô sau khi hoàn thành 3 năm thực tập sinh (TTS) về nước. Anh Sáng cho biết 3 năm ở Nhật Bản đã cho anh một cơ hội nghề nghiệp và khoản vốn hơn 400 triệu đồng đủ để khởi nghiệp. "Giờ quê mình ô tô nhiều rồi nên tôi quyết tâm đầu tư nhà xưởng để sửa chữa. Vốn kiến thức và kinh nghiệm tại Nhật Bản sẽ giúp ích cho công việc này của tôi" - anh Sáng bày tỏ.
Cầu nối đầu tư
Ít ai biết rằng một DN tại tỉnh Long An chuyên sản xuất van điều tiết, vòi và van công nghiệp có 100% vốn đầu tư Nhật Bản đang tạo công ăn việc làm cho hơn 70 lao động được thành lập bởi một cựu TTS từ Nhật trở về. DN đó là công ty TNHH MTV Koei Kiko Việt Nam và TTS đó là anh Nguyễn Bá Cang, hiện là phó giám đốc tại DN này.
Anh Cang cho biết mục tiêu sang Nhật làm việc là học hỏi và nâng cao tay nghề để về nước lập nghiệp. Hoài bão ấy đã tạo động lực lớn lao trong quá trình làm việc của anh. Thấy được tiềm năng của anh Cang, công ty nơi anh thực tập đã quyết định đầu tư sang Việt Nam để mở rộng kinh doanh và tiếp tục đồng hành với những TTS Việt Nam về nước.
Một bằng chứng sinh động nữa có thể nhắc là những gương sáng thanh niên Việt Nam không ngừng phát triển năng lực bản thân, xây dựng sự nghiệp thành công qua con đường tiếp thu, học hỏi, chuyển giao công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản. Đó là 3 anh em ruột Nguyễn Ngọc Trung đang là Giám đốc Công Ty TNHH Liên doanh điện tử chính xác Okutomi - Nguyễn, Nguyễn Ngọc Hiếu là Giám đốc Công ty TNHH MTV V.N.T Việt Nam và Nguyễn Ngọc Dũng đang điều hành Công ty CP Cơ khí Công nghiệp VNP.
Hiện 3 DN này đang xây dựng hệ sinh thái tại huyện Củ Chi với các công ty riêng biệt nhưng có liên kết với nhau. Những sản phẩm của các DN này sản xuất có chất lượng, độ chính xác, tinh xảo cao không khác gì được làm tại Nhật Bản. Sản phẩm của 3 anh em nhà Nguyễn Ngọc đang cung cấp cho các DN Nhật Bản tại Việt Nam và xuất sang Nhật cho những thương hiệu như Sony, Olympus, Canon, Honda...
Trong một buổi nói chuyện với các học viên đang chuẩn bị sang Nhật Bản làm TTS, anh Hiếu nói rằng con đường đi đến thành công thông qua chương trình TTS kỹ năng, đó là bạn phải đặt hết tâm huyết vào việc học tập và tiếp thu kiến thức. Anh Hiếu từng là TTS kỹ năng tại Nhật Bản, sau khi trở về nước, anh tiếp tục quay lại Nhật Bản thông qua chương trình kỹ sư.
Làm việc được một thời gian ngắn, anh Hiếu được giám đốc người Nhật đề nghị quay về Việt Nam thành lập công ty và liên kết với họ để cùng nhau triển khai các dự án tại Việt Nam cũng như phát triển mở rộng thị trường kinh doanh. Năm 2014, nhờ sự hỗ trợ của giám đốc người Nhật, anh đã thành lập DN và hiện DN này đã tiếp cận được các công ty lớn của Nhật Bản tại Việt Nam cũng như xuất khẩu những sản phẩm cơ khí chính xác sang Nhật.
Bằng kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn và năng lực tiếng Nhật của mình, các anh đã nhận được rất nhiều cảm tình, sự tín nhiệm từ những ông chủ Nhật Bản để rồi chính họ đã đưa công nghệ Nhật Bản về Việt Nam và tự viết nên câu chuyện khởi nghiệp cho riêng mình, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ TTS Việt Nam.
Ninh Bình đưa hơn 2.000 người đi làm việc ở nước ngoài
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, đã tổ chức nhiều chương trình tư vấn du học nghề, XKLĐ; giới thiệu, cung ứng lao động những chương trình như: TTS kỹ thuật Nhật Bản; hộ lý, điều dưỡng Nhật Bản, CHLB Đức... Nhằm hỗ trợ NLĐ, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các DN được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép hỗ trợ một phần kinh phí, tạo điều kiện để họ được vay vốn ưu đãi tham gia vào thị trường lao động. Trung tâm cũng đã thông báo và hướng dẫn các thủ tục cần thiết cho NLĐ được DN Hàn Quốc lựa chọn; tổ chức tuyển chọn 965 người đăng ký dự thi theo chương trình EPS ở 5 ngành: sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp, đóng tàu.
Mục tiêu trong năm 2023, tỉnh Ninh Bình đưa 1.400 người XKLĐ, trong đó hướng NLĐ tới những thị trường có uy tín và thu nhập tốt. Tính đến đầu tháng 12-2023, đã có 2.036 người đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 285 lao động xuất cảnh theo chương trình EPS.
V.Linh
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-12
Bình luận (0)