Thảo luận tại tổ về báo cáo các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội vào ngày 25-6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Chính phủ cần báo cáo rõ vì sao trong 5 năm qua, cơ quan thống kê nhà nước không công bố mức sống tối thiểu (MSTT) hằng năm dù trong nghị quyết của Trung ương yêu cầu phải công bố.
Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, chúng ta đặt yêu cầu tăng 30% lương. Tăng lương là tốt cho công chức, rất có ý nghĩa nhưng chưa bám sát được nghị quyết của Trung ương là phải xác định MSTT.
"Khó khăn gì mà 5 năm qua Tổng cục Thống kê không công bố MSTT. Nếu hiểu rõ các khó khăn thì chúng ta sẵn sàng chia sẻ với Chính phủ nhưng phải có mục tiêu lúc nào thì làm đúng yêu cầu này của nghị quyết Trung ương về cải cách tiền lương" - đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói.
MSTT được định nghĩa là mức thu nhập mà một người cần có để bảo đảm chi trả đủ những nhu cầu tối thiểu nhất cần thiết để sinh tồn. Đây là một tiêu chí quan trọng và đa chiều, phản ánh điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của từng vùng, khu vực hay đất nước trong từng giai đoạn, thời kỳ. Đối với người lao động (NLĐ), MSTT bao gồm nhiều khía cạnh như chi phí lương thực, thực phẩm (bao gồm ăn uống), chi phí phi lương thực, thực phẩm (bao gồm áo quần, đi lại, giải trí), chi phí nuôi con nhỏ và chi phí nhà ở. Đây là những yếu tố cơ bản nhất để bảo đảm sự tự chủ và sinh tồn.
Sự quan tâm và xác định chính xác MSTT là chìa khóa để bảo đảm NLĐ có điều kiện sống cơ bản và công bằng trong việc nhận mức lương xứng đáng với công sức lao động của mình.
Còn mức lương tối thiểu (LTT) được thiết lập để bảo đảm NLĐ nhận được một mức thu nhập tối thiểu, đủ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản hằng ngày như ăn uống, ở trọ, quần áo, và một số chi phí khác. LTT giúp bảo đảm NLĐ có cơ hội nhận được một mức lương hợp lý, ngay cả khi không có đàm phán lương. LTT thường đóng vai trò như một "điểm tham chiếu" trong quá trình đàm phán lương. Mức LTT thường được điều chỉnh dựa trên đặc thù kinh tế - xã hội của từng vùng, được xác định bởi MSTT vùng. Những vùng có chi phí sinh hoạt cao hơn thường có mức LTT cao hơn.
Mối liên hệ giữa LTT và MSTT là không thể phủ nhận trong việc định hình, định lượng thu nhập cơ bản cho NLĐ, tạo ra một hệ thống lương công bằng và khuyến khích cơ hội cho NLĐ. Do đó, cần xác định MSTT theo nghị quyết của Trung ương như đề nghị của đại biểu Nguyễn Thiện Nhân để cải cách tiền lương đạt mục đích, yêu cầu.
Theo giải trình của Chính phủ, phải thực hiện có lộ trình, thận trọng, chắc chắn và bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách. Tuy nhiên, tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương và trợ cấp 3 năm 2024-2026 đã tăng lên 913.000 tỉ đồng. Từ đây đặt ra vấn đề kiểm soát lạm phát, giá tăng nhanh hơn tăng lương, không tạo động lực như mong muốn.
Cải cách tiền lương khu vực công hiện vẫn còn nhiều bất cập cần tháo gỡ do các yếu tố lịch sử và những vướng mắc phát sinh trong thực tế. Cần có thời gian, từng bước góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Bình luận (0)