xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngành thủy sản chủ động giảm phát thải

Bài và ảnh: NGỌC ÁNH

Dù được đánh giá là ngành phát thải thấp nhưng ngành thủy sản vẫn chủ động tham gia quá trình hướng đến trung hòa carbon, tránh bị động

Chiều 6-12, tại TP HCM, Trường Đại học Văn Hiến phối hợp với Trung tâm Nghề cá thế giới (WorldFish) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế "Thực phẩm thủy sản trong chuyển đổi hệ thống thực phẩm phát thải thấp ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và con đường tương lai". Hội thảo do Chương trình Nghiên cứu hệ thống thực phẩm phát thải thấp của CGIAR tài trợ, đã thu hút 47 bài tham luận của các diễn giả trong và ngoài nước, trong đó có 5 bài tham luận được trình bày trực tiếp tại hội thảo.

Tìm giải pháp có tính ứng dụng cao

Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Minh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến, nhấn mạnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, việc chuyển đổi sang các hệ thống thực phẩm phát thải thấp đã trở thành một yêu cầu cấp bách. Ông đặc biệt đề cập vai trò quan trọng của ngành thủy sản - một nguồn tài nguyên quý giá của Việt Nam - trong việc bảo đảm an ninh lương thực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các chuyên gia và đại biểu tham dự hội thảo chiều 6-12

Các chuyên gia và đại biểu tham dự hội thảo chiều 6-12

Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Minh Đức cũng chỉ ra rằng bên cạnh những cơ hội lớn, ngành thủy sản đang phải đối mặt không ít thách thức. Việc cân bằng giữa nhu cầu gia tăng sản lượng thủy sản, bảo vệ môi trường và bảo đảm hiệu quả kinh tế khi áp dụng các mô hình sản xuất bền vững là một bài toán khó. Những vấn đề này đòi hỏi phải được nghiên cứu, thảo luận và giải quyết một cách khoa học, có hệ thống và gắn liền với thực tiễn. PGS Đức kỳ vọng các tham luận không chỉ là những nghiên cứu khoa học sâu sắc mà còn là các sáng kiến mang tính ứng dụng cao.

Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Giáp từ Trường Quản trị và Kinh doanh - ĐHQG Hà Nội, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới khuyến nghị tập trung vào các ngành năng lượng, giao thông và nông nghiệp để giảm phát thải. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành thủy sản được đánh giá có ưu thế nhờ mức phát thải thấp hơn so với chăn nuôi, tạo tiềm năng lớn để phát triển như một nguồn cung cấp đạm thay thế với phát thải cao. Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng này, ngành thủy sản cần tập trung giảm phát thải trong một số khâu quan trọng như sản xuất thức ăn, sử dụng năng lượng tại các trang trại, vận chuyển và chế biến.

Một số chuyên gia cho rằng hiện nay, các nghiên cứu về giảm phát thải trong ngành thủy sản còn hạn chế, đồng thời thiếu những hướng dẫn cụ thể để tính toán lượng phát thải của ngành. Bên cạnh đó, chi phí gia tăng khi áp dụng các biện pháp giảm phát thải cũng gây ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, đặc biệt khi việc này chưa được quy định bắt buộc.

TS Michelle Tigchelaar từ Tổ chức WorldFish chỉ ra rằng nhiều người thường tách biệt các vấn đề về tăng trưởng kinh tế, phát triển ngành và biến đổi khí hậu, mà không nhận ra mối liên hệ giữa chúng. Theo bà, phát triển bền vững ngành thủy sản có thể đồng thời giải quyết cả hai vấn đề này, với điều kiện là cần có sự hỗ trợ từ công nghệ hiện đại.

Bà Tigchelaar khuyến nghị Việt Nam cần triển khai các biện pháp quản lý bền vững trong ngành thủy sản, bao gồm việc bảo vệ đường bờ biển và rừng ngập mặn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển bền vững, đồng thời xem xét các yếu tố hỗ trợ như bảo hiểm, nhằm giúp nông dân duy trì sản xuất và giảm thiệt hại do thiên tai và lũ lụt.

Không để "nước đến chân mới nhảy"

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết ngành thủy sản Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu, nên luôn chủ động đón đầu xu thế thị trường để thích ứng ngay khi có yêu cầu bắt buộc, tránh rơi vào tình trạng "thẻ vàng". Hiện nay, ngành tập trung vào hiệu quả kinh tế thay vì chỉ chạy theo sản lượng hay giá trị, với mục tiêu tìm kiếm các giải pháp sản xuất xanh và tối ưu hơn.

Ông nhấn mạnh hiện trên thế giới có nhiều mô hình giảm phát thải hiệu quả, như giảm tiêu thụ thức ăn, sử dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất. Đặc biệt là phát triển mô hình lúa - tôm đang phát triển mạnh ở ĐBSCL, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Người đứng đầu Cục Thủy sản cho rằng thủy sản giảm phát thải cũng như việc ứng dụng nuôi thủy sản thực hành tốt (VietGAP). Nhiều người từng đặt câu hỏi "Tôi làm VietGAP bán giá có cao hơn không?" mà không để ý rằng nếu thực hiện thì có thể giảm chi phí đầu vào, giúp tăng hiệu quả. "Chúng tôi luôn lắng nghe và chào đón các sáng kiến có thể giúp ngành thủy sản xanh hóa" - ông Luân nhấn mạnh.

Ngoài ra, các tham luận tại hội thảo cũng chia sẻ những mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản, tập trung vào việc tận dụng phụ phẩm để giảm phát thải. Điển hình, trong ngành chế biến tôm - nơi phần lớn sản phẩm được bảo quản và chế biến dưới dạng đông lạnh - phụ phẩm chiếm khoảng 33%-46% khối lượng, bao gồm đầu, nội tạng và vỏ, ước tính lên tới 325.000 tấn/năm tại Việt Nam.

Phụ phẩm tôm chứa nhiều dưỡng chất giá trị như protein, enzyme, lipid, khoáng chất và vitamin. Hiện nhiều nhà máy đã tận dụng phụ phẩm này để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng phục vụ sản xuất và đời sống, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường. 

Chủ động dán nhãn giảm carbon

TS Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), nhận định sau đại dịch COVID-19, phát triển bền vững và giảm phát thải đã trở thành vấn đề sống còn của ngành thủy sản. Dù hiện tại các nước chưa có yêu cầu bắt buộc dán nhãn giảm carbon, ông dự báo điều này sẽ xuất hiện trong 3-7 năm tới. Do đó, ngành cần chủ động thực hiện sớm để tạo lợi thế cạnh tranh, tránh bị động khi quy định trở nên bắt buộc.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo