Si Ma Cai phiên âm theo tiếng Mông là Xênh Mùa Ca, nghĩa là chợ ngựa mới, bởi nơi đây ngày trước người dân thường dắt theo ngựa về chợ. Đây là vùng đất nằm trên thượng nguồn sông Chảy, nơi có phong cảnh nguyên sơ, khí hậu mát mẻ, trong lành; được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi, đá tai mèo trùng điệp.
1.
Từ TP Lào Cai, đi theo tuyến đường uốn lượn quanh các sườn núi gần 100 km, lên cao dần là tới thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai - nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển. Nhiều người muốn biết Si Ma Cai bây giờ khác với trước đây thế nào hẳn sẽ được mục sở thị một vùng cao biên giới đang vươn mình mạnh mẽ.
Huyện Si Ma Cai tách khỏi huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai vào tháng 8-2000. Si Ma Cai thực hiện công cuộc đổi mới trong xu thế phát triển và hội nhập của một huyện vùng cao đá nhiều hơn đất. Khoảng 1/5 đất nông nghiệp ở đây là ruộng bậc thang trồng lúa mỗi năm một vụ; một vụ trồng ngô trên các triền nương dốc. Ngô vẫn là lương thực chính của người dân địa phương. Để phát triển kinh tế, hạ tầng, Si Ma Cai vẫn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước...
Với ý chí quyết tâm vượt khó, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào 11 dân tộc của huyện Si Ma Cai tập trung mọi nguồn lực để thay đổi vùng biên giới này. Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy Lào Cai về "Giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020" đã mở đường cho sự đổi thay của địa phương như hiện nay.
Năm đầu tiên thành lập huyện, kinh tế Si Ma Cai hầu như chưa có gì đáng kể ngoài sản lượng lương thực có hạt gần 8.000 tấn. Đến năm 2023, theo báo cáo của huyện, tổng sản lượng lương thực có hạt đã đạt hơn 26.000 tấn, trong đó lúa mùa 8.838 tấn. Tổng thu ngân sách địa phương đạt hơn 938 tỉ đồng; thu nhập bình quân đạt hơn 35 triệu đồng người/năm.
Số hộ nghèo ở Si Ma Cai năm 2000 chiếm gần 74% thì đến năm 2023 chỉ còn hơn 40%. Đến nay, Si Ma Cai đã thoát đói và đang từng bước giảm nghèo. Huyện đang tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Trường học, trạm y tế, trụ sở các xã ở Si Ma Cai được xây dựng khang trang. Đường giao thông nông thôn được trải bê-tông đến hầu hết các thôn bản. Điện lưới, sóng phát thanh - truyền hình đến với mọi nhà. An sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở địa phương được bảo đảm; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững... Điều đó cho thấy huyện miền núi biên giới Si Ma Cai đang bừng lên sắc thái mới.
Nhiều người từng đến Si Ma Cai nhận xét sự đổi thay của huyện như có phép mầu. Theo TS Hoàng Văn Dương - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai - địa phương này có được như hôm nay trước hết là nhờ sự quan tâm của tỉnh; sự đoàn kết của cán bộ, đảng viên và nỗ lực vươn lên của nhân dân các dân tộc trong huyện. Thực tế, nhiều việc tưởng chừng khó vượt qua nhưng với ý chí của toàn Đảng bộ, với sự đồng lòng của người dân đã tạo nên bức tranh toàn cảnh Si Ma Cai ngày thêm khởi sắc.
Gắn liền với những đổi thay ở Si Ma Cai, tháng 4-2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai đã đồng ý với chủ trương của huyện là xây dựng cột cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Dìn Phàng, thị trấn Si Ma Cai. Cột cờ Tổ quốc nhằm góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia và tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, cầu nối giữa Si Ma Cai với Mường Khương được xây dựng, tạo thành tuyến đường kết nối các huyện Si Ma Cai - Mường Khương - Bắc Hà, góp phần thúc đẩy giao lưu, trao đổi hàng hóa, tạo cơ hội khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội cho các huyện trong vùng. Đó là những vận hội mở ra cho Si Ma Cai đi lên trên con đường tiếp tục đổi mới, giảm nghèo bền vững, tiến tới thoát nghèo.
2.
Ai đến thăm các huyện biên giới mà không vào đồn biên phòng sẽ là một thiếu sót, đến Si Ma Cai cũng vậy.
Chúng tôi vào thăm Đồn Biên phòng Si Ma Cai, được chỉ huy đồn tiếp đón như người thân trở về. Anh cử các chiến sĩ dẫn chúng tôi đi thăm tuyến biên giới do đồn bảo vệ.
Đường biên giới do Đồn Biên phòng Si Ma Cai quản lý dài hơn 9 km, từ cột mốc 171 đến mốc giới 172, đã được bê-tông hóa. Dọc theo tuyến biên giới này là núi non hiểm trở, phía trên núi đá cao ngất, phía dưới hun hút sông sâu. Sông Chảy là đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Gió lao xao thổi dọc sông. Không gian thật thanh bình! Tôi chợt mường tượng về tháng 2-1979. Những mất mát, hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới năm đó đã lùi vào quá khứ hơn 40 năm, thế hệ cán bộ, chiến sĩ biên phòng hôm nay có lẽ không ai trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến mà chỉ đọc trong sách báo hoặc nghe kể lại. Họ vẫn đang tiếp tục làm nhiệm vụ giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc mà thế hệ trước giao phó.
Đứng tại mốc biên giới, nghe các anh kể về những khó khăn phải vượt qua ở nơi canh giữ đường biên Tổ quốc thân yêu, chúng tôi càng thêm tin tưởng và khâm phục tinh thần quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ biên phòng và nhân dân nơi đây.
Si Ma Cai - mảnh đất biên cương phía Đông Bắc tỉnh Lào Cai - là quê hương của anh hùng Giàng Lao Pà thời tiễu phỉ và là nơi sinh ra nhà lãnh đạo giản dị, khiêm nhường Cư Hòa Vần. Từ xã Quan Thần Sán (nay là xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai), ông Cư Hòa Vần ra tỉnh làm cán bộ rồi làm quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn. Sau đó, ông về thủ đô làm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội...
Tuy các vị lão thành cách mạng đã đi xa nhưng hình ảnh họ còn đọng mãi trong lòng người dân Si Ma Cai. Chính họ là những tấm gương để đồng bào 11 dân tộc ở Si Ma Cai noi theo, cùng chung tay góp sức xây dựng bản làng, bảo vệ bình yên vùng biên giới.
Sau gần 1/4 thế kỷ thành lập, huyện Si Ma Cai đã vượt qua một chặng đường đầy khó khăn, thách thức, đi lên từ không đến có. Chúng tôi kỳ vọng huyện vùng cao này tiếp tục bứt phá, phát triển toàn diện.
Chúng tôi cũng tin rằng trải qua hành trình gần 25 năm đó, đồng bào các dân tộc nơi đây luôn khát vọng vươn lên để thay đổi cuộc sống, cùng chung tay góp sức xây dựng bản làng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Bình luận (0)