xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghĩ về “nguyên khí quốc gia”

VU GIA

Thủ tướng Phạm Minh Chính tháng 7-2023 đã ký Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chuyện này không mới nhưng lòng dân ai cũng phấn khởi.

Không mới là vì từ năm 1075, vua Lý Nhân Tông đã tổ chức khoa thi Minh kinh bác học để tuyển chọn nhân tài. Trong 82 bài văn bia ở Văn Miếu (Hà Nội), "Đại Bảo tam niên Nhâm Tuất khoa tiến sĩ đề danh ký" (bài ký đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba) do Thân Nhân Trung soạn năm 1484 - thời Hồng Đức có câu mà đời nào cũng nhắc: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia".

Lòng dân ai cũng phấn khởi là vì thấy nhà nước đã nhìn ra vấn đề. Bởi lẽ, cả chục năm hơn, dù nơi nơi đều "trải thảm đỏ đón nhân tài", "tìm người tài, chứ không tìm người nhà", song chưa đâu vào đâu.

Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 rất rõ ràng, cụ thể, tập trung vào 4 nhóm.

Nhóm 1, là "học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc, có tố chất, năng khiếu nổi trội từ các cơ sở giáo dục và đào tạo (GD-ĐT)". Điều này thêm lần nữa khẳng định nhân tài phụ thuộc vào nền giáo dục nước nhà.

Bên chén trà đầu xuân, chúng ta cùng "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật" mà Đảng ta luôn quán triệt sâu sắc trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước.

Nghĩ về “nguyên khí quốc gia”- Ảnh 1.

Sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM trong ngày tốt nghiệp. ảnh: Hoàng Triều

Chiều 5-11-2023, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Bộ GD-ĐT và ĐHQG Hà Nội phối hợp tổ chức hội thảo giáo dục về "Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học (ĐH)". Từ góc độ nhà tuyển dụng, đại tá Dương Xuân Phượng, Phó Giám đốc Học viện Viettel, cho biết khi nhận 2.000 sinh viên xuất sắc của các trường ĐH về đào tạo theo chương trình của Viettel thì chỉ tuyển được 100 em. Ông cho rằng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ĐH có bằng khá, giỏi, xuất sắc chiếm đến 99% là bất cập, không cân đối.

Ngày 6-12-2023, báo chí đưa tin "TP HCM tuyển dụng viên chức từ nguồn sinh viên xuất sắc: Chỉ 4 thí sinh đủ điều kiện". Đây mới là điều kiện, tiêu chuẩn vào vòng phỏng vấn, chứ chưa phải kết quả cuối cùng.

Nhóm 2, là "những người có học vị, học hàm thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư, có các công trình nghiên cứu được công nhận và ứng dụng hiệu quả cao vào đời sống thực tiễn". Trước hết, nói về người có học vị, học hàm là những danh sư.

Người xưa khẳng định "danh sư xuất cao đồ". Trong các "danh sư" đào tạo 99% "cao đồ" tốt nghiệp ĐH có bằng khá, giỏi, xuất sắc - như đại tá Dương Xuân Phượng băn khoăn, không rõ có ai "lấy bằng tiến sĩ trong… 10 ngày" ở Trường ĐH Công lập Tarlac (Tarlac State University), Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Nueva Ecija (Nueva Ecija University of Science and Technology) hay Trường ĐH Công lập Ifugao (Ifugao State University) mà một bài báo từng phản ánh? Bài báo này lo lắng: "Bằng tiến sĩ trong hơn 10 ngày học, họ có thể giảng dạy, hướng dẫn thạc sĩ tại Việt Nam. Hậu quả của nó sẽ như thế nào? Điều này sẽ hết sức tai hại".

Thực tế, đã có người "Dùng bằng tiến sĩ giả làm trưởng, phó khoa nhiều trường ĐH, cao đẳng" như tựa một bài báo. Và cũng đã có không ít "danh sư" khá "nổi danh" vì vi phạm liêm chính học thuật, như báo chí từng phanh phui.

Nhóm 3, là "cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có năng lực nổi trội, luôn hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ, công vụ". Trọng dụng, tin dùng những người này là việc làm bình thường xưa nay. Nhóm 4, là "những người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước".

Chuyện này tưởng dễ mà không dễ. Con người chứ không phải robot, ai cũng có lòng tự trọng, nhất là những người được gọi là nhân tài. Thu nhập không ai chê nhưng cái họ cần là được trọng dụng và tin dùng, nhất là cần những người quản lý trực tiếp "trong bụng có thể chống thuyền", không có tâm địa hẹp hòi, đố kỵ. Với tôi, người có tấm lòng bao dung cũng là nhân tài, thậm chí còn giỏi hơn nhân tài. Nếu chúng ta chưa xây dựng được đội ngũ này thì khó thu hút được nhân tài.

Bên cạnh việc trọng dụng và tin dùng, phải có một số chính sách, chế độ cụ thể như lương, điều kiện làm việc… Nếu chúng ta để tầng lớp trí thức nói chung, nhân tài nói riêng còn tính toán tô phở ở đây rẻ hơn, cốc cà phê ở kia đắt hơn thì "cứ loay hoay ứng phó với tồn tại, câu chuyện chất lượng sẽ vô cùng khó" - như lời Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tại hội thảo về giáo dục năm 2023 chiều 5-11.

Một khi "câu chuyện chất lượng sẽ vô cùng khó" thì khó có nhân tài. Căn nguyên đã được Bộ trưởng GD-ĐT chỉ ra: "Khi hỏi một số trường ĐH phát triển trên thế giới xem tự chủ thế nào thì họ ngơ ngác, bởi với họ đương nhiên là như vậy. Còn tự chủ ĐH của chúng ta là việc chuyển đổi hệ thống các trường từ thời bao cấp sang thị trường nên phải thay đổi. Đây là câu chuyện đổi mới giáo dục bằng chuyển đổi. Tuy nhiên, những quy phạm pháp luật mở đường cho tự chủ giáo dục ĐH lại chưa có được sự đồng bộ, chia sẻ với hệ thống giáo dục, hệ thống pháp luật khác".

Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đề ra "tỉ lệ nhân tài được đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ đạt 30% vào năm 2025, đạt 60% vào năm 2030 để tiến tới đạt 100% vào năm 2050".

Điều này là nằm trong tầm tay, thậm chí sớm vượt kế hoạch nếu chúng ta giải quyết căn cơ những gì mà người đứng đầu ngành GD-ĐT đã thấy, đã nói.

Căn nguyên này nếu không giải quyết dứt điểm thì sẽ vấp phải sự bất cập, như lo lắng của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: "Đầu tư rồi nhưng tiêu được như thế nào lại là câu chuyện lo ngại nữa. Nó đã hiếm có lại khó tiêu. Nếu không có sự thay đổi cách tiêu thì cho càng nhiều tiền chắc càng nguy hiểm"…

Thu nhập là điều quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta", nên không phải lo lắng về việc nhân tài không tụ họp.

Xưa nay, ai cũng biết việc sử dụng và thu hút người tài là điều hệ trọng đối với quốc gia. Đất nước không có người giỏi, người tài thì không thể đi lên được, song cũng không thể xem nhẹ "đầu tàu". Nếu đầu tàu yếu thì cả đoàn tàu cũng sẽ tiến chậm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo